Nội dung quy hoạch lâm nghiệp bao gồm những gì?
Nội dung chính
Nội dung quy hoạch lâm nghiệp bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nội dung quy hoạch lâm nghiệp phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và bao gồm các nội dung như sau:
(1) Thu thập, phân tích, đánh giá các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thực trạng tài nguyên rừng; chủ trương, định hướng phát triển, quy hoạch có liên quan; đánh giá nguồn lực phát triển và các vấn đề cần giải quyết;
(2) Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch lâm nghiệp kỳ trước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản; đầu tư, khoa học và công nghệ, lao động;
(3) Dự báo về nhu cầu và thị trường lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tác động của biến đổi khí hậu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiến bộ công nghệ áp dụng trong lâm nghiệp;
(4) Nghiên cứu bối cảnh, các mối liên kết ngành; xác định yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành;
(5) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển lâm nghiệp;
(6) Định hướng phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất;
(7) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp;
(8) Định hướng phát triển thị trường, vùng nguyên liệu, chế biến lâm sản;
(9) Giải pháp, nguồn lực tổ chức thực hiện quy hoạch.
Nội dung quy hoạch lâm nghiệp phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch lâm nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch lâm nghiệp như sau:
(1) Việc lập quy hoạch lâm nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc như sau:
- Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia, chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học;
- Bảo đảm quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân;
- Rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất;
- Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giới;
- Nội dung về lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải phù hợp với nội dung quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia.
(2) Việc lập quy hoạch lâm nghiệp phải tuân thủ căn cứ của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ như sau:
- Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia;
- Nội dung về lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia;
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực của cả nước hoặc địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì đối với đất do công ty nông lâm nghiệp quản lý, sử dụng?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai 2024 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm như sau:
- Tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất mà có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao, giao khoán, khoán trắng, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp;
- Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông lâm nghiệp tại địa phương, bao gồm:
+ Xác định diện tích đất công ty nông lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng;
+ Diện tích đất bàn giao về địa phương để giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2024 và để phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật;
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với phần diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng theo phương án đã được phê duyệt;
- Tổ chức việc thu hồi đất để giao Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để quản lý phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương không thuộc điểm c khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai 2024;
- Căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của địa phương và tình hình sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để tiếp tục rà soát, thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật để quản lý theo quy định của pháp luật, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 16 Luật Đất đai 2024 và để phát triển kinh tế - xã hội.