14:04 - 28/09/2024

Quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Quy định ban hành kèm Quyết định số 68/2024/QĐ-UBND.

Nội dung chính

    Đối tượng nào được áp dụng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh?

    Căn cứ theo Điều 2 tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định 68/2024/QĐ-UBND thì quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cho các đối tượng sau:

    - Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    - Người có đất thu hồi và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi.

    - Các đối tượng khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

    Đối tượng nào được áp dụng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

    Đối tượng nào được áp dụng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh từ Internet)

    Phân cấp thực hiện nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 2 tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định 68/2024/QĐ-UBND, phân cấp thực hiện nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố như sau:

    - Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện quyết định hỗ trợ đối với từng dự án cụ thể.

    - Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp cho Sở Xây dựng quyết định giá bán nhà ở tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024.

    Chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cụ thể như thế nào?

    Căn cứ Chương II Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 68/2024/QĐ-UBND, chính sách bồi thường cụ thể như sau:

    (1) Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất

    - Căn cứ công thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Nghị định 88/2024/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận-huyện xác định giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại (Tgt) và giá trị xây mới nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng (G1).

    - Trường hợp Tgt lớn hơn hoặc bằng 60% x G1 thì khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng là 0 đồng (Không đồng).

    - Trường hợp Tgt nhỏ hơn 60% x G1 thì khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng được tính bằng (60% x G1) - Tgt.

    (2) Bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật chuyên ngành

    - Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư căn cứ biên bản điều tra hiện trạng (có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi), hồ sơ thu thập được phù hợp công trình hiện trạng (thiết kế, hoàn công) để lập hoặc thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân đủ năng lực lập hồ sơ thiết kế phù hợp công trình hiện trạng (nếu cần), dự toán xây dựng công trình mới có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương và gửi Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thẩm định.

    - Sau khi có ý kiến thẩm định của Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện phê duyệt.

    (3) Bồi thường chi phí di chuyển tài sản

    - Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

    - Mức bồi thường cụ thể như sau:

    + Đối với nhà, công trình xây dựng dạng lắp ghép của hộ gia đình, cá nhân thì được bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt, chi phí hao hụt trong quá trình tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt bằng 30% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    Trong trường hợp không xác định được giá trị xây dựng mới đối với nhà, công trình xây dựng dạng lắp ghép, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị xây dựng mới đối với nhà, công trình xây dựng dạng lắp ghép để làm căn cứ bồi thường; Chi phí thuê tư vấn được tính vào chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    + Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đang sử dụng đất hợp pháp khi Nhà nước thu hồi (một phần hoặc toàn bộ) mà phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất thì được bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất và bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lập dự toán hoặc thuê đơn vị tư vấn lập dự toán chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt để làm căn cứ bồi thường; Chi phí thuê tư vấn được tính vào chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    - Đối với nhà, công trình xây dựng không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi di chuyển khỏi chỗ ở cũ đến chỗ ở mới thì được bồi thường chi phí tháo dở, di chuyển, lắp đặt tài sản như sau:

    - Đối với hộ gia đình, cá nhân di chuyển chỗ ở cũ đến chỗ ở mới hoặc phải tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt toàn bộ nhà ở thì được bồi thường 10.000.000 đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt đến cư trú tại các tỉnh, thành phố khác thì được hỗ trợ 20.000.000 đồng/hộ.

    - Trường hợp di chuyển điện thoại, đồng hồ nước, đồng hồ điện, cáp truyền hình, cáp Internet thì được bồi thường chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt do đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện. Riêng đối với điện kế phụ (tự câu lại), đồng hồ nước phụ (tự câu lại): chủ sử dụng tự thu hồi, không tính bồi thường, không tính hỗ trợ.

    - Mức giá cụ thể từng thời điểm do đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xác định theo mức giá do cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp.

    (4) Bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc tài sản công nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ

    Người đang sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, thì người đang thuê nhà không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc tài sản công và diện tích cơi nới trái phép, nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bằng 100% chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp;

    Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lập hoặc thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân đủ năng lực để xác định chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đối với nhà ở thuộc tài sản công (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) và gửi Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thẩm định. Sau khi có ý kiến thẩm định của Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Quy hoạch xây dựng thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện phê duyệt.

    (5) Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì được bồi thường, hỗ trợ như sau:

    - Đối với đất nông nghiệp:

    + Đất trồng cây hàng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác: 40.000 đồng/m2.

    + Đất trồng cây lâu năm: 50.000 đồng/m2.

    + Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất:

    25.000 đồng/m2.

    + Đất nuôi trồng thủy sản: 50.000 đồng/m² nếu nuôi chuyên thâm canh; 30.000 đồng/m² nếu nuôi bán chuyên thâm canh; 20.000 đồng/m² nếu nuôi quảng canh.

    + Đất làm muối: 11.400 đồng/m2.

    - Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở: 50.000 đồng/m2.

    saved-content
    unsaved-content
    81
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT