Loading


Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ từ năm 2025

Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ từ năm 2025 được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ được quy định như thế nào từ ngày 1/1/2025?

    Tại Điều 5 Thông tư 41/2024/TT-BGTVT quy định về Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ được quy định như thế nào từ ngày 1/1/2025 như sau: 

    - Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trên đường bộ đang khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo hình thức trực tiếp hoặc gửi gián tiếp (qua hệ thống bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

    + Đơn đề nghị theo quy định

    + Hồ sơ tài liệu phục vụ cấp giấy phép

    - Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác: Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi quản lý.

    - Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

    + Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đủ thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định

    + Đối với hồ sơ nộp gián tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận, nếu không đủ, có văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện

    + Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép thi công theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 41/2024/TT-BGTVT, trường hợp không cấp phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    - Giấy phép thi công có thời hạn 24 tháng, hết thời hạn nêu trên mà chưa hoàn thành thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục cấp phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác.

    Công trình an toàn giao thông đường bộ được bố trí như thế nào?

    Căn cứ Điều 24 Luật Đường bộ 2024 quy định công trình an toàn giao thông đường bộ được xây dựng, lắp đặt, bố trí để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bao gồm:

    - Đường cứu nạn được xây dựng tại các đoạn đường đèo dốc, để xe mất kiểm soát khi xuống dốc có thể rời khỏi đường chính đi vào, giảm tốc độ và bảo đảm dừng lại;

    - Hầm cứu nạn gắn liền với hầm đường bộ, phục vụ việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn khi hầm chính xảy ra sự cố hoặc sử dụng trong công tác bảo trì hầm đường bộ. Không sử dụng hầm cứu nạn phục vụ mục đích lưu thông của các phương tiện giao thông;

    - Tường bảo vệ, rào chắn, hàng rào hộ lan được bố trí tại vị trí nguy hiểm, có tác dụng ngăn ngừa các phương tiện tham gia giao thông đường bộ lao ra khỏi phần đường xe chạy khi gặp sự cố không kiểm soát được phương tiện.

    - Trường hợp không đồng thời bố trí cọc tiêu thì trên tường bảo vệ, hàng rào hộ lan phải được gắn tiêu phản quang hoặc sơn phản quang để cảnh báo cho người tham gia giao thông đường bộ về vị trí nguy hiểm và chỉ dẫn người tham gia giao thông đường bộ đi đúng theo hướng của phần đường xe chạy;

    - Công trình chống chói được bố trí trên dải phân cách giữa, có tác dụng giảm bớt tác động, giảm bớt ánh sáng đèn của phương tiện lưu thông ngược chiều tới mắt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

    - Gương cầu lồi được lắp đặt tại lưng đường cong bán kính nhỏ, các vị trí giao cắt có tầm nhìn hạn chế hoặc bị che khuất, giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể quan sát được từ xa phương tiện lưu thông ngược chiều để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp;

    - Hệ thống chiếu sáng được xây dựng để chiếu sáng bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; thời gian thắp sáng trong hầm đường bộ theo quy trình vận hành, khai thác của công trình hầm;

    - Dải phân cách được lắp đặt để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều đường;

    - Tường chống ồn được xây dựng tại các vị trí cần thiết để giảm tiếng ồn do phương tiện giao thông đường bộ gây ra;

    - Gờ, gồ giảm tốc được lắp đặt ở các vị trí cần cảnh báo hoặc bắt buộc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ giảm tốc độ để bảo đảm an toàn giao thông;

    - Công trình khác phục vụ an toàn giao thông đường bộ.

    Như vậy, công trình an toàn giao thông đường bộ được xây dựng, lắp đặt, bố trí để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ như quy định trên. 

    Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ từ năm 2025 (hình từ internet)

    Quy trình cấp giấy phép thi công công trình đường bộ từ năm 2025 (hình từ internet)

    Quy trình bảo trì công trình đường bộ hiện nay phải đảm bảo những yêu cầu nào?

    Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định cụ thể:

    Yêu cầu về quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường bộ
    ...
    3. Quy trình quản lý, vận hành khai thác, quy trình bảo trì công trình đường bộ được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại công trình (đường, cầu, hầm, bến phà, cầu phao và công trình khác), cấp công trình và mục đích sử dụng công trình.
    ...

    Như vậy, quy trình bảo trì công trình đường bộ được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại công trình (đường, cầu, hầm, bến phà, cầu phao và công trình khác), cấp công trình và mục đích sử dụng công trình.

    Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

    Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
    saved-content
    unsaved-content
    47