Sai sót thông tin về thửa đất có được đính chính lại giấy chứng nhận đã cấp không?
Nội dung chính
Sai sót thông tin về thửa đất có được đính chính lại giấy chứng nhận đã cấp không?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 của Luật này có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
...
Như vậy, sai sót thông tin về thửa đất được phép đính chính, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký hoặc văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước.
Sai sót thông tin về thửa đất có được đính chính lại không? (Hình ảnh từ Internet)
Việc nộp hồ sơ đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có sai sót gồm các trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự, thủ tục đính chính Giấy chứng nhận đã cấp
1. Việc nộp hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 136 của Luật Đất đai phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót thì thông báo cho người được cấp Giấy chứng nhận và đề nghị nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính;
b) Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận cấp lần đầu có sai sót thì nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định này. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ và chuyển hồ sơ đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai;
c) Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất có sai sót thì nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ. Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định này thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
...
Như vậy, việc nộp hồ sơ đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có sai sót gồm các trường hợp sau:
- Cơ quan cấp giấy chứng nhận phát hiện sai sót và yêu cầu nộp lại;
- Người được cấp giấy chứng nhận phát hiện sai sót và nộp hồ sơ trực tiếp theo quy định;
- Phát hiện sai sót trong quá trình đăng ký biến động và nộp hồ sơ tại cơ quan tiếp nhận.
Phạt hành chính như thế nào đối với việc khai báo không trung thực hoặc làm sai lệch giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất?
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, việc khai báo không trung thực hoặc làm sai lệch giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hành vi này có thể dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận hoặc các giao dịch liên quan đến đất đai (như chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp,…) bị sai lệch, nhưng chưa đủ mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân. (Quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).