Sáp nhập 80 phường TPHCM có phải làm lại giấy tờ? Người dân cần chuyển đổi giấy tờ khi nào?
Nội dung chính
Sáp nhập 80 phường TPHCM có phải làm lại giấy tờ? Người dân cần chuyển đổi giấy tờ khi nào?
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, căn cứ Điều 1 Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15, 80 đơn vị hành chính cấp xã của 10 quận huyện tại TPHCM như: Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận sẽ được sắp xếp lại trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025.
Về vấn đề chuyển đổi giấy tờ của người dân, Điều 21 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định:
Chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức
1. Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Căn cứ quy định trên, vấn đề chuyển đổi giấy tờ của người dân tại TPHCM như sau:
(1) Đối với những loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
(2) Đối với những loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ mà hết thời hạn theo quy định thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi, làm lại giấy tờ.
Sáp nhập 80 phường TPHCM có phải làm lại giấy tờ? Người dân cần chuyển đổi giấy tờ khi nào? (Hình từ Internet)
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nào thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030 là:
(1) Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
(2) Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
(3) Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được quy định như thế nào?
Điều 22 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định:
Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; hoạt động kiến thiết thị chính và các nhiệm vụ cần thiết khác do sắp xếp đơn vị hành chính.
2. Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp để chi các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Căn cứ kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
3. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể các nhiệm vụ chi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Như vậy, kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định trên.