Loading


Sổ đỏ đồng chủ sở hữu có được tách thành sổ riêng không? Diện tích tối thiểu được cấp sổ đỏ lần đầu sau khi tách thửa là bao nhiêu?

Liệu rằng sổ đỏ đồng chủ sở hữu muốn được chia nhỏ thành nhiều sổ riêng biệt có được không? Diện tích tối thiểu để thực hiện việc tách thửa được Luật Đất đai 2024 quy định như nào?

Nội dung chính

    Sổ đỏ đồng chủ sở hữu là gì?

    Sổ đỏ là thuật ngữ thông thường chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Theo quy định tại Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.

    Điều này có nghĩa là, sổ đỏ đồng chủ sở hữu là một loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho từ 02 chủ thể trở lên, mà không có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ cha mẹ con cái.

    Sổ đỏ đồng chủ sở hữu có được tách thành sổ riêng không?

    Theo đó, tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì để có thể thực hiện được quyền định đoạt đối với phần đất mình đang sử dụng, các đồng sở hữu, đồng sử dụng có thể tiến hành tách thửa đối với Sổ đỏ đồng chủ sở hữu nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    ...
    2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:
    ...
    b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện đăng ký biến động hoặc tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
    Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.Như vậy, trường hợp quyền sử dụng đất có thể phân chia được theo phần thì các đồng sở hữu mới có thể thực hiện việc tách thửa đối với phần đất, tài sản thuộc quyền của mình. Trường hợp quyền sử dụng đất không thể phân chia rõ ràng là thuộc quyền của đồng sở hữu nào thì không thể thực hiện việc tách thửa.

    Có thể thấy, tách sổ đỏ đồng sở hữu thành sổ riêng là được phép thực hiện, tuy nhiên cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật về đất đai, cụ thể như sau:

    Theo Điều 220 Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thì để được tách sổ đỏ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    Tách thửa đất, hợp thửa đất
    1. Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện sau đây:
    a) Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    b) Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;
    c) Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;
    d) Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

    Như vậy, việc tách sổ đỏ đồng sở hữu thành sổ riêng là có thể thực hiện, nhưng cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Trước hết, quyền sử dụng đất phải có khả năng phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm đồng sở hữu. Điều này có nghĩa là phần đất của mỗi cá nhân phải được xác định rõ ràng và có thể tách riêng.

    Bên cạnh đó, người sử dụng đất cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ. Đất đai không được có tranh chấp hoặc nếu có, tranh chấp phải được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền, và các quyết định liên quan phải có hiệu lực pháp luật. Quyền sử dụng đất không được bị kê biên để đảm bảo thi hành án và phải còn trong thời hạn sử dụng đất theo quy định. Đất cũng không bịáp dụng bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào. Ngoài ra, đối với việc thực hiện tách thửa đất, thửa đát bị tách còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 220 Luật Đất đai 2024.

    Nếu các điều kiện này được đáp ứng, các đồng sở hữu có thể tiến hành thủ tục tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng phần đất của mình. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 220 Luật Đất đai 2024, quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.

     

    Sổ đỏ đồng chủ sở hữu có được tách thành sổ riêng không? Diện tích tối thiểu được cấp sổ đỏ lần đầu sau khi tách thửa là bao nhiêu? (Hình ảnh từ internet)

    Diện tích tối thiểu được cấp sổ đỏ lần đầu sau khi tách thửa là bao nhiêu?

    Theo khoản 2 Điều 220 Luật Đất đai 2024 có quy định về việc tách thửa, hợp thửa như sau:

    Tách thửa đất, hợp thửa đất
    ...
    2. Trường hợp tách thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
    a) Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
    Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;

    Như vậy, diện tích tối thiểu được cấp sổ đỏ sau khi tách thửa phụ thuộc vào quy định của từng địa phương. Tuy nhiên, thông thường, diện tích này sẽ không quá nhỏ so với quy hoạch chung của khu vực, bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Lưu ý: Trong một số trường hợp khi thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu thì vẫn có thể được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024 (theo Điều 146 Luật Đất đai 2024).

    saved-content
    unsaved-content
    26
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ