Loading


Sống chung không đăng ký kết hôn góp tiền mua đất chung thì khi chia tay chia đất như thế nào?

Sống chung như vợ chồng góp tiền mua đất chung thì sau khi đăng ký kết hôn đất đó có phải tài sản chung không?

Nội dung chính

    Sống chung như vợ chồng là gì?

    Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

    Ngoài ra, mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…

    Theo quy định trên, có thể hiểu việc sống chung như vợ chồng là việc nam và nữ sống chung và coi nhau là vợ chồng, việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…

    Tuy nhiên, việc sống chung như vợ chồng để làm căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với nam và nữ sống chung. Việc những người cùng giới tính sống chung và xem nhau như vợ chồng không được xác định là trường hợp chung sống như vợ chồng mặc dù chứng minh được như trên.

    Sống chung không đăng ký kết hôn góp tiền mua đất chung thì khi chia tay chia đất như thế nào? (Hình từ Internet)

    Sống chung không đăng ký kết hôn góp tiền mua đất chung thì khi chia tay chia đất như thế nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

    Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Theo quy định trên, việc nam và nữ sống chung không đăng ký kết hôn không làm phát sinh không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Vì vậy, việc sống chung không đăng ký kết hôn góp tiền mua đất chung thì mảnh đất này không được xem là tài sản chung của vợ chồng và không được chia theo trường hợp ly hôn.

    Ngoài ra, khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.

    Theo quy định trên, đất đai hình thành trong thời kỳ sống chung như vợ chồng thì không được xem là tài sản chung của vợ chồng mà là tài sản đồng sở hữu theo pháp luật dân sự. Theo đó, nhiều người chung quyền sử dụng đất thì mỗi người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng hoặc cấp cho đại diện một người đứng tên. Như vậy việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền của những người chung quyền sử dụng đất còn lại.

    Như vậy, sống chung không đăng ký kết hôn góp tiền mua chung đất thì khi chia tay, các bên có thể thỏa thuận chia đất, hoặc quy đổi ra giá trị để một trong hai hưởng quyền sử dụng đất, bên còn lại nhận giá trị tương đương. Pháp luật không quy định cụ thể trường hợp không thỏa thuận được chia tài sản đồng sở hữu, vì vậy khi có tranh chấp, các bên có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản sở hữu chung.

    Lưu ý : trường hợp trên là trường hợp đủ căn cứ xác định bất động sản có nhiều người chung quyền sử dụng đất. Trường hợp không đủ căn cứ chứng minh góp tiền mua chung đất thì đất này thuộc quyền sử dụng của người có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể hiểu, khi không đủ căn cứ chứng minh mình có góp tiền để mua đất chung thì đất đó thuộc về người có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người còn lại không có quyền yêu cầu chia khi chia tay.

    Sống chung như vợ chồng góp tiền mua đất chung thì sau khi đăng ký kết hôn đất đó có phải tài sản chung không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 14, khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

    - Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

    - Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    - Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

    Như đã phân tích ở trên, đất đai hình thành trong thời kỳ sống chung như vợ chồng thì không được xem là tài sản chung của vợ chồng mà là tài sản đồng sở hữu theo pháp luật dân sự, tài sản đồng sở hữu này có thể hiểu là tài sản riêng của từng người.

    Bên cạnh đó, tài sản chung là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân hoặc có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Ngoài ra, pháp luật quy định quan hệ hôn nhân chỉ được được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

    Như vậy, sống chung như vợ chồng góp tiền mua đất chung thì sau khi đăng ký kết hôn đất đó không phải tài sản chung, Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận nhập vào tài sản chung.

    saved-content
    unsaved-content
    51