Sửa chữa, cải tạo nhà ở có phải xin Giấy phép xây dựng không? Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm những gì?

Sửa chữa, cải tạo nhà ở có phải xin Giấy phép xây dựng không? Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm những gì?

Nội dung chính

    Giấy phép xây dựng là gì?

    Căn cứ khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định thì: Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

    Sửa chữa, cải tạo nhà ở có phải xin phép xây dựng không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng như sau:

    Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng
    2. Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
    ...
    d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
    ...

    Như vậy, đối với việc sửa chữa, cải tạo bên trong hoặc mặt ngoài của nhà ở không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của nhà ở, phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường thì được miễn giấy phép xây dựng. Trường hợp việc sửa chửa nhà ở không đáp ứng các quy định trên thì phải xin Giấy phép về việc sửa chữa, cải tạo nhà ở.

    Sửa chữa, cải tạo nhà ở có phải xin Giấy phép xây dựng không? Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm những gì?

    Sửa chữa, cải tạo nhà ở có phải xin Giấy phép xây dựng không? (Nguồn: Internet)

    Có những loại Giấy phép xây dựng nào?

    Căn cứ khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì Giấy phép xây dựng gồm:

    - Giấy phép xây dựng mới;

    - Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

    - Giấy phép di dời công trình;

    - Giấy phép xây dựng có thời hạn.

    Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà ở gồm những gì?

    Căn cứ Điều 96 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở bao gồm:

    - Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ theo Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

    - Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật.

    - Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

    - Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

    - Đối với công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

    Trong Giấy phép xây dựng gồm nhưng nội dung gì?

    Căn cứ Điều 90 Luật Xây dựng 2014 thì trong Giấy phép xây dựng có những nội dung chủ yếu sau:

    - Tên công trình thuộc dự án.

    - Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.

    - Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.

    - Loại, cấp công trình xây dựng.

    - Cốt xây dựng công trình.

    - Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

    - Mật độ xây dựng (nếu có).

    - Hệ số sử dụng đất (nếu có).

    - Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 90 Luật Xây dựng 2014 còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.

    - Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.

    saved-content
    unsaved-content
    23
    CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT