Sửa chữa nhà ở có cần xin giấy phép không? Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa nhà ở gồm những gì?
Nội dung chính
Sửa chữa nhà ở có cần xin giấy phép không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng
Theo đó, điểm d khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định 02 trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm:
- Thứ nhất, các trường hợp có nội dung sửa chữa, cải tạo mà không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;
- Thứ hai, công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài nhưng không tiếp giáp với đường trong đô thị (có yêu cầu về quản lý kiến trúc).
Do đó, nếu việc sửa chữa nhà ở không thuộc các trường hợp được miễn nêu trên thì cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.
Sửa chữa nhà ở có cần xin giấy phép không? Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa nhà ở gồm những gì? (Hình từ internet)
Người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có thể vay vốn ưu đãi để tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà không?
Căn cứ theo Khoản 3 và Khoản 4, Điều 110 Luật Nhà ở 2023 quy định về chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở được quy định như sau:
Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở
...
3. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
4. Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:
a) Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;
b) Có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở, nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Dẫn chiếu tới quy định tại khoản 5 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
3. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
9. Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
12. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Do đó, những người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị có thể nhận hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Nhà nước qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định.
Hỗ trợ này nhằm giúp họ tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở nếu họ có đất ở nhưng chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở nhưng bị hư hỏng, dột nát, và phải có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất ở hoặc nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Hồ sơ xin cấp phép sửa chữa nhà ở gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp phép sửa chữa nhà ở cụ thể bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ (Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP);
- Một trong các giấy tờ chứng minh có quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình nhà ở riêng lẻ theo quy định (Các giấy tờ này có thể bao gồm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), hợp đồng mua bán nhà, giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền quản lý và sử dụng công trình, hoặc các tài liệu pháp lý khác liên quan).
- Bản vẽ hiện trạng bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt cùng ảnh chụp hiện trạng theo quy định;
- Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng mỗi loại công trình theo quy định.