Loading


Tài sản công được phân loại như thế nào? Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền thu hồi tài sản công?

Tài sản công có bao nhiêu loại? Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức nào? Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi tài sản công?

Nội dung chính

    Tài sản công có bao nhiêu loại?

    Căn cứ Điều 4 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 71 Luật Viễn thông 2023 quy định tài sản công được phân loại như sau:

    - Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội

    - Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật

    - Tài sản công tại doanh nghiệp

    - Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước

    - Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật

    - Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;

    - Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet Việt Nam, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

    Tài sản công được phân loại như thế nào? Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền thu hồi tài sản công? (Hình từ Internet)

    Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức nào?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 41 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước:

    Thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước

    ...

    4. Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức sau đây:

    a) Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật này;

    b) Điều chuyển theo quy định tại Điều 42 của Luật này;

    c) Bán, thanh lý theo quy định tại Điều 43 và Điều 45 của Luật này;

    d) Tiêu hủy theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

    đ) Hình thức xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    Như vậy, tài sản công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức sau đây:

    (1) Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định;

    (2) Điều chuyển;

    (3) Bán, thanh lý;

    (4) Tiêu hủy;

    (5) Hình thức xử lý khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi tài sản công?

    Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định quy định thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công như sau:

    (1) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi:

    - Trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý;

    - Tài sản không phải là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý phải thu hồi nhưng bộ, cơ quan trung ương không thu hồi;

    - Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi nhưng địa phương không thu hồi.

    (2) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản công không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

    (3) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

    (4) Trường hợp phát hiện tài sản công do cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý trên địa bàn địa phương bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động khác không đúng quy định mà phải thu hồi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi theo thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    34