Loading

14:06 - 01/11/2024

Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị xử lý thế nào? Hành vi nào được xem là uy hiếp đến an toàn bay?

Xử lý khi tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam như thế nào? Có mấy hành vi được xem là uy hiếp đến an toàn bay? Ai có thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm?

Nội dung chính

    Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị xử lý thế nào?

    Căn cứ Điều 4 và Điều 5 Nghị định 139/2024/NĐ-CP về tàu bay vi phạm vùng trời bị bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay quy định như sau:

    Tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm
    1. Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam.
    2. Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

    Theo đó, khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam thì tàu bay sẽ bị bay chặn. Và tàu bay sẽ bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

    Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay
    Tàu bay bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
    1. Tàu bay đang bay trong vùng trời việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp.
    2. Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

    Theo đó, tàu bay sẽ bị ép hạ cánh tại các cảng hàng không hoặc sân bay trong các trường hợp sau:

    - Can thiệp bất hợp pháp: Khi tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam và bị can thiệp bất hợp pháp.

    - Không chấp hành lệnh: Khi tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam và đã bị bay chặn, bay kèm, nhưng không chấp hành các hành động yêu cầu của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bay chặn hoặc bay kèm.

    Các biện pháp này được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn hàng không trong không phận Việt Nam.

    Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị xử lý thế nào? Hành vi nào được xem là uy hiếp đến an toàn bay?

    Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị xử lý thế nào? Hành vi nào được xem là uy hiếp đến an toàn bay? (Hình từ Internet)

    Hành vi nào được xem là uy hiếp đến an toàn bay từ ngày 09/12/2024?

    Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 139/2024/NĐ-CP về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    ...
    4. Can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay, uy hiếp đến an toàn bay là vi phạm một hoặc các hành vi sau:
    a) Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;
    b) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;
    c) Bắt giữ con tin trong tàu bay;
    d) Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.
    ...

    Như vậy, từ ngày 09/12/2024, hành vi được xem là can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay, uy hiếp đến an toàn bay bao gồm:

    - Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;

    - Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

    - Bắt giữ con tin trong tàu bay;

    - Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.

    Ai có thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay?

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 139/2024/NĐ-CP về thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay quy định như sau:

    Thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay
    1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
    2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

    Như vậy, thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay thuộc về:

    - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền ra lệnh thực hiện các hành động bay chặn, bay kèm, hoặc ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay.

    - Trong trường hợp tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ để quyết định về việc bay chặn, bay kèm, hoặc ép tàu bay chuyên cơ này hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

    Quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp và hiệu quả trong việc xử lý các hành vi vi phạm vùng trời, đồng thời bảo vệ an ninh hàng không và an toàn cho người dân.

    Nghị định 139/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/12/2024.

    saved-content
    unsaved-content
    31