Loading


Tên người mua hàng trên hóa đơn điện tử có bắt buộc không?

Tên người mua hàng trên hóa đơn điện tử có bắt buộc không?

Nội dung chính

    Tên người mua hàng trên hóa đơn điện tử có bắt buộc không?

    Tại khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nội dung của hóa đơn như sau:

    Nội dung của hóa đơn

    ....

    14. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung

    .....

    c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.

    Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.

    d) Đối với hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán (trừ trường hợp tem, vé, thẻ là hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã), tiêu thức người mua (tên, địa chỉ, mã số thuế), tiền thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Trường hợp tem, vé, thẻ điện tử có sẵn mệnh giá thì không nhất thiết phải có tiêu thức đơn vị tính, số lượng, đơn giá.

    ....

    Như vậy, tên người mua hàng trên hóa đơn điện tử không bắt buộc trong trường hợp sau:

    - Hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh.

    - Hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh.

    - Hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ.

    Tên người mua hàng trên hóa đơn điện tử có bắt buộc không? (Hình từ Internet)

    Doanh nghiệp sử dụng thông tin hóa đơn điện tử thông qua hình thức nào?

    Tại Điều 47 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử như sau:

    Hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử

    1. Bên sử dụng thông tin là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; các tổ chức, cá nhân là người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo các nội dung thông tin hóa đơn điện tử.

    .....

    Như vậy, doanh nghiệp sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử thông qua hình thức truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo các nội dung thông tin hóa đơn điện tử.

    Riêng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử sử dụng thông tin hóa đơn điện tử thông qua hình thức ký quy chế trao đổi thông tin hoặc ký hợp đồng. Trong trường hợp này các cơ quan trên sẽ đăng ký và được cấp quyền truy cập, kết nối, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế.

    Hóa đơn điện tử được định dạng như thế nào?

    Tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định hóa đơn điện tử được định dạng như sau:

    - Định dạng hóa đơn điện tử là tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểu dữ liệu, chiều dài dữ liệu của các trường thông tin phục vụ truyền nhận, lưu trữ và hiển thị hóa đơn điện tử. Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language" được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin).

    - Định dạng hóa đơn điện tử gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số. Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.

    - Tổng cục Thuế xây dựng và công bố thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử, thành phần chứa dữ liệu chữ ký số và cung cấp công cụ hiển thị các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này.

    - Tổ chức, doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ khi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế bằng hình thức gửi trực tiếp phải đáp ứng yêu cầu sau:

    + Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3, gồm 1 kênh truyền chính và 1 kênh truyền dự phòng. Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 5 Mbps.

    + Sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc Message Queue (MQ) có mã hóa làm phương thức để kết nối.

    + Sử dụng giao thức SOAP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu.

    - Hóa đơn điện tử phải được hiển thị đầy đủ, chính xác các nội dung của hóa đơn đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch để người mua có thể đọc được bằng phương tiện điện tử.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    678