Loading


Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư thuộc về ai? Khi nào lập phương án bồi thường, tái định cư?

Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư thuộc về ai? Khi nào lập phương án bồi thường, tái định cư? Nội dung phương án bồi thường, tái định cư là gì?

Nội dung chính

    Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 71 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Nội dung và thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư
    ...
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo thẩm quyền và kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện đúng phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt.
    ....

    Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo thẩm quyền và kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện đúng phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt. Việc giao quyền phê duyệt và giám sát cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không chỉ đảm bảo tính minh bạch, công khai mà còn tăng cường trách nhiệm của các bên tham gia trong quá trình thực hiện dự án tái định cư.

    Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư? (Hình từ Internet)

    Khi nào lập phương án bồi thường, tái định cư?

    Căn cứ theo Điều 70 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Nguyên tắc lập phương án bồi thường, tái định cư
    1. Việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ được thực hiện sau khi có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
    2. Trường hợp thực hiện dự án quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này thì phương án bồi thường, tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao tổ chức có trách nhiệm lập phương án bồi thường, tái định cư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
    3. Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.
    4. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và tuân thủ phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt. Diện tích căn hộ bố trí tái định cư không được thấp hơn diện tích căn hộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời được xác định trong tổng mức đầu tư dự án.

    Như vậy, việc lập, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ được thực hiện sau khi có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

    Nội dung phương án bồi thường, tái định cư là gì?

    Theo khoản 1 Điều 71 Luật Nhà ở 2023 quy định phương án bồi thường, tái định cư có các nội dung chủ yếu sau đây:

    - Tên của chủ đầu tư đối với trường hợp đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

    - Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;

    - Vị trí, diện tích nhà chung cư được cải tạo, xây dựng lại; vị trí, diện tích nhà ở phục vụ tái định cư được bố trí;

    - Hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm bố trí nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ hoặc tại địa điểm khác hoặc mua, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn hoặc nhận tiền theo quy định của Luật này;

    - Hệ số K diện tích căn hộ đối với nhà chung cư; giá đất để tính bồi thường (nếu có); giá thuê nhà ở sau khi đầu tư xây dựng lại (nếu có);

    - Giá trị căn hộ được xác định sau khi quy đổi diện tích theo hệ số K quy định tại điểm đ khoản này; tiền đóng góp để xây dựng căn hộ theo tiến độ dự án hoặc nộp một lần sau khi bàn giao căn hộ đối với nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Nhà ở 2023; giá trị nhà ở phục vụ tái định cư trong trường hợp tái định cư tại địa điểm khác;

    - Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

    - Phương án xử lý đối với các căn hộ còn lại sau khi đã bố trí tái định cư;

    - Khoản tiền chênh lệch (nếu có) mà chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc chủ sở hữu phải thanh toán giữa giá trị nhà ở phục vụ tái định cư và giá trị nhà ở chủ sở hữu sẽ nhận theo phương án bồi thường, tái định cư;

    - Thời gian thực hiện dự án; thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời; thời gian bàn giao nhà ở phục vụ tái định cư theo hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư

    - Kinh phí hỗ trợ di dời, thuê nhà ở tạm thời và các kinh phí liên quan khác (nếu có);

    - Kinh phí bảo trì sau khi xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của Luật này;

    - Bồi thường, tái định cư đối với phần diện tích khác không phải là căn hộ chung cư (nếu có).

    saved-content
    unsaved-content
    70