Loading


Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được phát quần áo một năm bao nhiêu lần theo quy định pháp luật hiện hành?

Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được phát quần áo một năm bao nhiêu lần? Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội có được phát sách vở, tài liệu học tập không? 

Nội dung chính

    Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được phát quần áo một năm bao nhiêu lần theo quy định pháp luật hiện hành?

    Căn cứ Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng như sau:

    Cơ sở bảo đảm đối tượng được chăm sóc theo các tiêu chuẩn sau:

    1. Chăm sóc y tế:

    Cơ sở có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với cơ sở có nhiệm vụ phục hồi chức năng thì phải có cán bộ và trang thiết bị phục hồi chức năng cho đối tượng.

    2. Vệ sinh và đồ dùng sinh hoạt:

    a) Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và bảo đảm vệ sinh tắm, giặt hàng ngày cho đối tượng;

    b) Cung cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân, gồm xà phòng tắm, khăn tắm, khăn mặt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng riêng;

    c) Cung cấp đồ dùng phục vụ việc ngủ, gồm giường nằm, chiếu, gối, chăn, màn;

    d) Có nội quy riêng của cơ sở trợ giúp xã hội quy định dọn dẹp vệ sinh và vệ sinh cá nhân.

    3. Quần áo:

    Đối tượng được trang bị quần áo đồng phục đi học (đối với trẻ em trong độ tuổi đi học), tất và dép được cung cấp ít nhất 6 tháng/01 lần và được thay thế trong trường hợp bị hư hỏng, mất và quần áo mặc đủ ấm về mùa đông.

    4. Dinh dưỡng:

    a) Cung cấp ít nhất ba bữa ăn (sáng, trưa và tối) mỗi ngày;

    b) Bảo đảm dinh dưỡng đủ calo, có chất đạm (thịt, cá, đậu nành, chất bột đường, ngũ cốc, rau quả);

    c) Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, trẻ em bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng.

    Như vậy, trẻ em khi vào cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được trang bị quần áo đồng phục đi học (đối với trẻ em trong độ tuổi đi học), tất và dép được cung cấp ít nhất 6 tháng/01 lần và được thay thế trong trường hợp bị hư hỏng, mất và quần áo mặc đủ ấm về mùa đông. Theo đó, một năm sẽ được cấp phát quần áo ít nhất 02 lần.

    Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được phát quần áo một năm bao nhiêu lần theo quy định pháp luật hiện hành? (Hình ảnh từ internet)

    Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội có được phát sách vở, tài liệu học tập không?

    Theo Điều 9 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn về giáo dục và học nghề như sau:

    Cơ sở bảo đảm cung cấp cho đối tượng được học văn hóa (đối với người có khả năng học tập); được học nghề (đối với trẻ em từ 13 tuổi trở lên và những người có khả năng lao động, có nhu cầu học nghề), cụ thể:

    1. Bảo đảm phổ cập giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009.

    2. Cung cấp giáo dục chính quy hoặc không chính quy trong các trường công lập, dân lập hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội.

    3. Giáo dục đối tượng về đạo đức xã hội, vệ sinh, kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và các chủ đề khác phù hợp với độ tuổi và giới tính.

    4. Hướng dẫn đối tượng các phương pháp tự phòng, chống nạn mua bán người, lạm dụng, xâm hại, bạo hành và bóc lột.

    5. Cung cấp sách vở, tài liệu học tập và bố trí nơi học tập cho đối tượng.

    6. Tư vấn để đối tượng tự lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng cá nhân và điều kiện của địa phương.

    7. Đối tượng được hỗ trợ học tiếp lên hoặc học nghề tùy thuộc vào độ tuổi, sự lựa chọn và nhu cầu thị trường.

    Theo đó, trẻ em trong cơ sở trợ giúp xã hội trong độ tuổi học được cấp sách vở, tài liệu học tập và bố trí nơi học tập phù hợp.

    Trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí gì?

    Tại Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí như sau:

    Cơ sở bảo đảm cho đối tượng:

    1. Về văn hóa:

    a) Môi trường văn hóa có sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ đối tượng thể hiện tình cảm, suy nghĩ, ý tưởng và sự sáng tạo;

    b) Có cơ hội tham gia vào các hoạt động tôn giáo và xã hội;

    c) Học văn hóa truyền thống dân tộc và tôn trọng quyền tự do về tôn giáo, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam;

    d) Có quyền lựa chọn tôn giáo mà không bị phân biệt đối xử, không bị ép buộc theo một tôn giáo để được chăm sóc trong cơ sở.

    2. Về thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí:

    a) Tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi và người dân ở cộng đồng; hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia một cách an toàn vào các hoạt động kể trên;

    b) Được tạo điều kiện để làm quen, kết bạn với những người sống xung quanh, bạn học ở trường và cộng đồng; gặp gỡ với gia đình hoặc những người thân, bạn bè, trừ một số trường hợp có khả năng đe dọa đến sự an toàn của đối tượng.

    Như vậy, trẻ em trong cơ sở trợ giúp xã hội sẽ được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí quy định trên.

    saved-content
    unsaved-content
    20