Loading


Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn

Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn. Hình thức phát triển nhà ở xã hội được quy định ra sao?

Nội dung chính

    Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn

    Căn cứ khoản 2 Điều 37 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn thực hiện theo quy định sau đây:

    - Công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có nhu cầu thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp cho tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh tại địa phương. Hồ sơ bao gồm đơn đăng ký thuê nhà ở xã hội theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II Nghị định 100/2024/NĐ-CP, giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định;

    - Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và phân loại hồ sơ; nếu hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định thì phải trả lời ngay để người nộp đơn bổ sung giấy tờ. Trường hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tại địa phương tiếp nhận hồ sơ thì sau khi kiểm tra và phân loại hồ sơ, đơn vị này lập Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ gửi tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, kiểm tra.

    Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì Danh sách người được thuê là Danh sách người đủ điều kiện thuê đã đăng ký.

    Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký thuê (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn nhà ở xã hội để cho thuê thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng được thuê thực hiện theo hình thức bốc thăm trực tiếp do cơ quan quản lý nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm. Trường hợp dự án có đối tượng ưu tiên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 79 Luật Nhà ở 2023 và đoàn viên công đoàn thì được thuê nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm.

    - Trên cơ sở Danh sách người đủ điều kiện thuê nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ, thì tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét duyệt và ký Hợp đồng thuê nhà với người được thuê nhà ở;

    - Thời gian giải quyết việc cho thuê nhà ở xã hội là không quá 10 ngày, kể từ ngày tổ chức được giao quản lý, vận hành nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

    Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn

    Trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn (Hình từ Internet) 

    Hình thức phát triển nhà ở xã hội được quy định ra sao?

    Hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở 2023 như sau: 

    - Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công để cho thuê, cho thuê mua.

    - Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023 để bán, cho thuê mua, cho thuê.

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023.

    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

    - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội thông qua hình thức đầu tư vốn hoặc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nước để cùng thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định Luật Nhà ở 2023, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Cá nhân xây dựng nhà ở xã hội để cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 thuê.

    Quy định về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Nhà ở 2023, loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội được quy định như sau:

    - Nhà ở xã hội là nhà chung cư, được đầu tư xây dựng theo dự án, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được xây dựng nhà ở riêng lẻ;

    - Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

    - Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì phải được thiết kế, xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

    - Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 6 Điều 80 Luật Nhà ở 2023 thì có thể xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ hoặc nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở 2023.

    saved-content
    unsaved-content
    32