Loading


Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào thời gian nào?

Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào thời gian nào? Ai là bí thư đầu tiên?

Nội dung chính

    Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào thời gian nào?

    Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ngày 23/1/1961 quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. 

    Năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau đó kiêm Bí thư Quân ủy Miền (lúc này đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Khu Sài Gòn – Chợ Lớn). Giai đoạn 1967-1975, đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường) - ủy viên Bộ Chính trị được cử làm Bí thư Trung ương Cục.

    Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

    Tại Điều 1 Quyết định 548/QĐ-TTg năm 2012 quy định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 2). Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh được xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 10/05/2012. 

    Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào thời gian nào? (hình từ internet)

    Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào thời gian nào? (hình từ internet)

    Khu vực bảo vệ di tích được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 32 Luật Di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.
    1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
    a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;
    b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
    Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
    2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.
    3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
    ...

    Theo quy định trên, khu vực bảo vệ di tích được quy định như sau:

    - Khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích

    - Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1

    Nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích được quy định như thế nào?

    Theo Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích như sau:

    (1) Việc xác định khu vực bảo vệ I của di tích quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

    - Đối với di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó;

    - Đối với di tích là địa điểm khảo cổ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó;

    - Đối với di tích là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó;

    - Đối với danh lam thắng cảnh thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải đảm bảo cho việc giữ gìn sự toàn vẹn của cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.

    Đối với di tích gồm nhiều công trình xây dựng, địa điểm phân bố trên phạm vi rộng thì phải xác định khu vực bảo vệ I cho từng công trình xây dựng, địa điểm.

    (2) Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

    Việc xác định di tích không có khu vực bảo vệ II được áp dụng trong trường hợp di tích đó nằm trong khu vực dân cư hoặc liền kề các công trình xây dựng mà không thể di dời.

    (3) Việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

    - Phân định rõ ranh giới các khu vực bảo vệ di tích với khu vực tiếp giáp trên thực địa theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ xếp hạng di tích;

    - Cột mốc phải được làm bằng chất liệu bền vững và đặt ở vị trí dễ nhận biết;

    - Hình dáng, màu sắc, kích thước cột mốc phải phù hợp với môi trường, cảnh quan của di tích và không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc giới.

    Chuyên viên pháp lý Đỗ Trần Quỳnh Trang
    saved-content
    unsaved-content
    18
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ