Trường hợp đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên Sổ đỏ ghi gì?
Nội dung chính
Trường hợp đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên Sổ đỏ ghi gì?
Căn cứ theo khoản 21 Điều 41 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định việc xác nhận thay đổi vào Sổ đỏ đã cấp đối với trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
- Trường hợp đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi nội dung thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thể hiện như sau: “Đã đăng ký thế chấp” hoặc “Đã xóa đăng ký thế chấp” hoặc “Đã đăng ký thay đổi nội dung thế chấp”. Các nội dung cụ thể quy định tại khoản 24 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT được thể hiện trên mã QR của Giấy chứng nhận.
Cụ thể theo khoản 24 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
- Trường hợp đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thể hiện: “Thế chấp bằng ... (ghi tên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) tại ... (ghi tên và thông tin của bên nhận thế chấp) theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)”.
+ Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thể hiện: “Nội dung đăng ký thế chấp ngày ..../..../... có thay đổi ... (ghi cụ thể nội dung trước và sau khi có thay đổi) theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)”.
+ Trường hợp xoá đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thể hiện: “Xoá nội dung đăng ký thế chấp ngày .../.../... theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)”.
Như vậy, đối với trường hợp đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liên với đất thì thể hiện nội dung trên Sổ đỏ theo như quy định nêu trên.
Trường hợp đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên Sổ đỏ ghi gì? (Hình từ Internet)
Quét mã QR trên Sổ đỏ thấy những thông tin gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định Mã QR được in trên Giấy chứng nhận dùng để lưu trữ, hiển thị các thông tin chi tiết của Giấy chứng nhận và các thông tin để quản lý mã QR.
Theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMTT thì thông tin chi tiết trên Sổ đỏ bao gồm những nội dung như sau:
- Thông tin của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Thông tin của những người được thừa kế;
- Thông tin về tài sản gắn liền với đất bao gồm tên tài sản, diện tích sử dụng, thời hạn sở hữu, địa chỉ;
- Thông tin về số hiệu thửa đất;
- Thông tin về diện tích thửa đất;
- Thông tin về loại đất;
- Thông tin về thời hạn sử dụng đất;
- Thông tin về hình thức sử dụng đất;
- Thông tin về địa chỉ thửa đất;
- Thông tin về nghĩa vụ tài chính;
- Thông tin về ranh giới thửa đất;
- Thông tin về nguồn gốc sử dụng đất;
- Thông tin về tài liệu đo đạc;
- Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất;
- Thông tin về quyền đối với thửa đất liền kề.
Như vậy, khi quét mã QR trên Sổ đỏ có thể thấy những thông tin cụ thể theo như quy định nêu trên.
Điều kiện thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 Luật Đất đai 2024 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng khi thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất trên còn phải đáp ứng các điều kiện theo các trường hợp sau đây:
- Đối với trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm thì phải đáp ứng điều kiện bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm quy định tại Điều 46 Luật Đất đai 2024;
- Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải đáp ứng điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Điều 47 Luật Đất đai 2024;
- Đối với trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất của cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 thì phải đáp ứng điều kiện thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện quy định tại Điều 48 Luật Đất đai 2024.
Như vậy, khi người sử dụng đất thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo như quy định nêu trên.