ULAW sẽ mở thêm tối thiểu 3 ngành mới các lĩnh vực kinh doanh và quản lý, pháp luật? Dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh?
Nội dung chính
ULAW dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2025?
Năm 2025, Đại học Luật TP.HCM dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm mở rộng quy mô đào tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng trong các lĩnh vực Luật, Kinh doanh và Quản lý.
"Với việc dự kiến mở mới 3 ngành đào tạo cùng với việc phát triển mạnh đội ngũ nhân sự trong thời gian vừa qua, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2025 sẽ tăng mạnh từ 3.210 chỉ tiêu lên 4.000 chỉ tiêu", ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách đào tạo Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được phân bổ tương tự như các năm như sau:
- 45% dành cho hai phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển và xét tuyển theo đề án riêng của trường.
- 55% còn lại dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, các phương thức tuyển sinh của trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng trong năm 2025 như sau:
(1) Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.
(2) Phương thức 2: Xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường.
- Đối tượng 1: Thí sinh học các trường THPT quốc tế, đạt đủ các điều kiện gồm:
+ Đã tốt nghiệp THPT.
+ Đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS đạt điểm từ 6.5 trở lên (do British Council hoặc IDP cấp).
+ Được các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp THPT (văn bằng này phải được công nhận đạt mức tương đương với trình độ đào tạo theo chương trình giáo dục THPT tại Việt Nam theo quy định).
- Đối tượng 2: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc kết quả kỳ thi SAT của Mỹ, đạt đủ các điều kiện sau.
+ Đã tốt nghiệp THPT.
+ Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tiếng Anh/ hoặc tiếng Pháp/ hoặc tiếng Nhật); có kết quả Kỳ thi SAT, đạt mức điểm như sau:
Đối với tiếng Anh: IELTS đạt điểm từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt từ 65 trở lên.
Đối với tiếng Pháp (chỉ xét tuyển đối với ngành Luật): DELF đạt từ trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ TCF đạt điểm từ 300/một kỹ năng trở lên.
Đối với tiếng Nhật (chỉ xét tuyển đối với ngành Luật): JLPT đạt từ trình độ N3 trở lên.
Đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi SAT: Đạt điểm từ 1.150/1.600 điểm trở lên.
+ Có tổng điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp của ngành xét tuyển đạt từ 22,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).
- Đối tượng 3: Thí sinh là học sinh học tại các trường có tên trong Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM, đạt đủ các điều kiện như sau.
+ Đã tốt nghiệp THPT.
+ Phải học đủ 3 năm tại một trong các trường có tên trong Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển năm 2024 của Đại học Quốc gia TP.HCM.
+ Có kết quả học tập của từng năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đạt mức tốt.
+ Có tổng điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp của ngành xét tuyển đạt từ 24,5 trở lên (tổng điểm trung bình cộng này được làm tròn đến một chữ số thập phân).
- Đối tượng 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT).
(3) Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
ULAW sẽ mở thêm tối thiểu 3 ngành mới các lĩnh vực kinh doanh và quản lý, pháp luật? Dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh? (hình từ internet)
ULAW sẽ mở thêm tối thiểu 3 ngành mới các lĩnh vực kinh doanh và quản lý, pháp luật?
Theo thông tin, ngoài 5 ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo từ nhiều năm nay. Dự kiến trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ công bố thông tin tiêu chí tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với dự kiến mở thêm 3 ngành mới ở 2 lĩnh vực bao gồm lĩnh vực kinh doanh và quản lý, pháp luật.
- Trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý, ở nhóm ngành kinh doanh, trường sẽ tuyển sinh và đào tạo thêm ngành kinh doanh quốc tế; ở nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, sẽ tuyển sinh và đào tạo thêm ngành tài chính - ngân hàng.
- Đồng thời, trường đã chuẩn bị để xin chủ trương mở mới ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, ở nhóm ngành luật, trường sẽ tuyển sinh và đào tạo thêm ngành luật kinh tế.
Điều kiện chung để trường đại học mở thêm ngành đào tạo được quy định như thế nào?
Theo Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, cơ sở đào tạo là trường đại học phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ, bao gồm:
(1) Đáp ứng các yêu cầu đối với ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở.
(2) Đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giảng viên.
(3) Đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất
(4) Chương trình đào tạo của ngành đề xuất mở được xây dựng, thẩm định và ban hành bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
(5) Cơ sở đào tạo đã có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở.
(6) Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.
(7) Hội đồng trường đã có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.
Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường phải có văn bản phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo.