Loading


Vị trí và chức năng Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải được theo quy định hiện hành là gì?

Vị trí và chức năng Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải được quy định như thế nào? Nhiệm vụ và quyền hạn Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải? 

Nội dung chính

    Vị trí và chức năng Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải được theo quy định hiện hành là gì?

    Căn cứ Điều 1 Quyết định 1223/QĐ-BGTVT năm 2022 quy định vị trí và chức năng như sau:

     Vị trí và chức năng

    1. Cục Quản lý đầu tư xây dựng là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết tắt là Bộ GTVT) tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT (sau đây viết tắt là Bộ trưởng) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, cơ quan chủ quản quản lý các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án; thực hiện chức năng của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước.

    2. Cục Quản lý đầu tư xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội.

    3. Cục Quản lý đầu tư xây dựng có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Transport Construction Investment Management Authority (viết tắt là TCI).

    Vị trí và chức năng Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải được theo quy định hiện hành là gì? (Hình ảnh từ internet)

    Nhiệm vụ và quyền hạn Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải?

    Theo Điều 2 Quyết định 1223/QĐ-BGTVT năm 2022 quy định nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

    Nhiệm vụ và quyền hạn

    1. Tham mưu để Bộ trưởng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định có liên quan về quản lý đầu tư, xây dựng trong bước lập dự án đầu tư (trừ dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) và giai đoạn thực hiện dự án; tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.

    2. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan trong bước lập dự án đầu tư (trừ dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) và giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

    3. Chủ trì tham mưu, trình Bộ trưởng ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành giao thông (trừ định mức công nghệ mới, vật liệu mới; định mức bảo trì).

    4. Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư trong việc thẩm định để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

    5. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT trong việc thẩm định, tham mưu phê duyệt dự án đầu tư xây dựng (trừ dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, dự án phân công, phân cấp, ủy quyền cho Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành) và giai đoạn thực hiện dự án (trừ dự án phân công, phân cấp, ủy quyền cho Cục Đường cao tốc Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành):

    a) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT trong việc thẩm định, trình Bộ trưởng hoặc để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT quản lý;

    b) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT trong việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;

    c) Thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc phê duyệt theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng đối với thiết kế, dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng;

    d) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT;

    đ) Tham mưu cho Bộ GTVT về công tác bàn giao đưa công trình vào sử dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư;

    e) Là đầu mối của Bộ GTVT để phối hợp với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

    6. Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc phê duyệt theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng đề cương, dự toán tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc và giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng.

    7. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc phê duyệt theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng đề cương, dự toán tư vấn thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng.

    8. Về công tác lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án:

    a) Thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Bộ trưởng quyết định đầu tư; tham mưu cho Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư;

    b) Thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật, danh sách xếp hạng nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư;

    c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác lựa chọn nhà thầu theo quy định đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý;

    d) Thường trực Tổ thẩm định và Hội đồng tư vấn cấp Bộ đối với công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư do Bộ GTVT quản lý theo quy định.

    9. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính tham mưu giải quyết các vấn đề có liên quan đến bảo hiểm công trình xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo hiểm công trình trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

    10. Theo dõi, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tham mưu cho Bộ trưởng về cơ chế, chính sách và phối hợp với địa phương để giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án do Bộ GTVT quản lý.

    11. Thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi (trừ dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) và giai đoạn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, tổng thể đầu tư dự án.

    12. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý thi công, chất lượng, tiến độ, giá thành, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình giao thông thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT; tham mưu trình Bộ trưởng việc tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.

    Tham mưu trình Bộ trưởng quyết định hoặc yêu cầu chủ đầu tư xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu, vi phạm tiến độ, chất lượng và hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

    13. Tham mưu trình Bộ trưởng: Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng và thi công xây dựng công trình giao thông; quyết định các nội dung về chất lượng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng và bảo hành công trình; yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện kiểm định chất lượng công trình giao thông khi công trình đã được thi công xây dựng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thiết kế hoặc không đủ các căn cứ để đánh giá chất lượng, nghiệm thu hoặc khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

    14. Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu trình Bộ trưởng về việc giao, điều chuyển chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

    15. Chủ trì tham mưu, trình Bộ trưởng quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền:

    a) Xử lý sự cố công trình và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng;

    b) Giải quyết các tranh chấp về chất lượng xây dựng công trình giao thông;

    c) Công tác giám định chất lượng, giám định nguyên nhân sự cố công trình giao thông;

    d) Công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước theo nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GTVT.

    16. Chủ trì tham mưu cho Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

    17. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý đầu tư, xây dựng thuộc nhiệm vụ của Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

    18. Phối hợp tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới; chủ trì nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về quản lý xây dựng và quản lý chất lượng công trình giao thông.

    19. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án công nghệ thông tin do Bộ GTVT quản lý.

    20. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý xây dựng, quản lý chất lượng công trình và các lĩnh vực khác được Bộ trưởng phân công, phân cấp, ủy quyền.

    21. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đầu tư, xây dựng và quản lý chất lượng công trình giao thông theo quy định của pháp luật.

    22. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Cục Quản lý đầu tư xây dựng theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Nhà nước và của Bộ GTVT.

    23. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, công chức và người lao động; thực hiện chế độ tiền lương, các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; xây dựng, trình Bộ trưởng cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

    24. Quản lý, tổ chức thực hiện công tác tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện quản lý ngân sách được phân bổ theo quy định. Được sử dụng chi phí quản lý dự án, giám định, giám sát và đánh giá đầu tư, kiểm tra công tác nghiệm thu, lệ phí thẩm định và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

    25. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

    Cơ cấu tổ chức Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải? 

    Tại Điều 3 Quyết định 1223/QĐ-BGTVT năm 2022 quy định cơ cấu tổ chức như sau:

    Cơ cấu tổ chức

    1. Các tổ chức giúp việc Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng gồm:

    a) Văn phòng;

    b) Phòng Pháp chế - Đấu thầu;

    c) Phòng Dự án đầu tư 1;

    d) Phòng Dự án đầu tư 2;

    đ) Phòng Quản lý xây dựng 1;

    e) Phòng Quản lý xây dựng 2;

    g) Phòng Quản lý xây dựng 3;

    h) Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức còn lại thuộc Cục.

    Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải được quy định như thế nào?

    Theo Điều 4 Quyết định 1223/QĐ-BGTVT năm 2022 quy định lãnh đạo Cục như sau:

    Lãnh đạo Cục

    1. Cục Quản lý đầu tư xây dựng có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

    Số lượng Phó Cục trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ GTVT.

    Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động theo quy định của pháp luật.

    Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

    2. Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

    3. Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

    Như vậy, cục bao gồm một Cục trưởng và các Phó Cục trưởng, với số lượng Phó Cục trưởng theo quy định của pháp luật và Bộ Giao thông vận tải. Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm và chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng được Bộ trưởng bổ nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng, và họ cũng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về lĩnh vực công tác được giao. Cục trưởng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo trong Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng. Sự phân định trách nhiệm và quyền hạn này tạo điều kiện cho Cục hoạt động hiệu quả trong việc quản lý đầu tư xây dựng, đóng góp vào sự phát triển của ngành giao thông vận tải.

    saved-content
    unsaved-content
    22