Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng đối với hợp đồng nào?
Nội dung chính
Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng đối với hợp đồng nào?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi điểm b khoản 2 bởi điểm a khoản 14 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng
...
2. Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng được quy định như sau:
a) Việc điều chỉnh đơn giá thực hiện hợp đồng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian khi các bên có thỏa thuận trong hợp đồng.
b) Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện tăng hoặc giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, đồng thời làm thay đổi trên 0,25% giá trị hợp đồng và trên 1% đơn giá của công việc đó hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc đã thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho các khối lượng này để thanh toán.
Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện tăng lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, đơn giá mới chỉ được áp dụng cho phần khối lượng thực tế thực hiện vượt quá 120% khối lượng ghi trong hợp đồng.
Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, đơn giá mới được áp dụng cho toàn bộ khối lượng công việc thực tế hoàn thành được nghiệm thu.
c) Trường hợp khối lượng thực tế thực hiện tăng hoặc giảm nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá trong hợp đồng, kể cả đơn giá đã được điều chỉnh theo thỏa thuận của hợp đồng (nếu có) để thanh toán.
d) Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng cho những khối lượng công việc mà tại thời điểm ký hợp đồng bên giao thầu và bên nhận thầu có thỏa thuận điều chỉnh đơn giá thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
...
Như vậy, việc điều chỉnh đơn giá thực hiện hợp đồng chỉ áp dụng đối với:
- Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
- Hợp đồng theo thời gian.
Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng chỉ áp dụng đối với hợp đồng nào? (Hình từ Internet)
Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng ra sao?
Căn cứ khoản 3 Điều 38 Nghị định 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi điểm a khoản 3 bởi điểm b khoản 14 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng
...
3. Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng:
a) Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng bao gồm: phương pháp bù trừ trực tiếp và phương pháp điều chỉnh bằng công thức điều chỉnh như quy định tại điểm b khoản này. Việc áp dụng phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Chỉ số giá để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng bằng công thức điều chỉnh tại điểm b khoản 3 Điều này là chỉ số giá xây dựng.
b) Cơ sở dữ liệu đầu vào để tính toán điều chỉnh giá phải phù hợp với nội dung công việc trong hợp đồng. Trong hợp đồng phải quy định việc sử dụng nguồn thông tin về giá hoặc nguồn chỉ số giá của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh giá hợp đồng theo công thức sau:
GTT = GHĐ x Pn
Trong đó:
- “GTT”: Là giá thanh toán tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu.
- “GHĐ”: Là giá trong hợp đồng tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu.
- “Pn”: Hệ số điều chỉnh (tăng hoặc giảm) được áp dụng cho thanh toán hợp đồng đối với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu trong khoảng thời gian “n”.
4. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
Theo đó, phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng gồm:
- Phương pháp bù trừ trực tiếp và phương pháp điều chỉnh bằng công thức.
+ Áp dụng tùy theo tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán, và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.
+ Chỉ số giá xây dựng được sử dụng trong công thức điều chỉnh.
- Công thức điều chỉnh giá:
+ Giá thanh toán (GTT) = Giá hợp đồng (GHĐ) × Hệ số điều chỉnh (Pn).
+ Pn được xác định dựa trên chỉ số giá từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Hướng dẫn cụ thể: Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn chi tiết.
Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng đúng không?
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng quy định như sau:
Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
1. Khi giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, các bên phải tuân thủ nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
2. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp), khi đó việc xử lý tranh chấp hợp đồng thông qua ban xử lý tranh chấp được quy định như sau:
a) Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.
b) Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.
c) Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài hoặc thời hiệu khởi kiện lên Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật.
Như vậy, chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng. Chi phí này sẽ được phân bổ vào giá hợp đồng và do mỗi bên trong hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.