Loading


Báo cáo 192/BC-BCT năm 2023 về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 192/BC-BCT
Ngày ban hành 10/10/2023
Ngày có hiệu lực 10/10/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Sinh Nhật Tân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/BC-BCT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2023

 

BÁO CÁO

VỀ CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ LẮP ĐẶT TẠI NHÀ Ở, CƠ QUAN CÔNG SỞ TẠI VIỆT NAM

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 30 tháng 9 năm 2023 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7551/VPCP-CN gửi Bộ Công Thương để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến việc đề xuất về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở công sở tại Việt Nam.

Ngày 05 tháng 10 năm 2023 Bộ Công Thương đã có Công văn số 6899/BCT-ĐL gửi Bộ Tư pháp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị gửi ý kiến góp ý theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu tại Công văn số 7551/VPCP-CN. Hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trên cơ sở các nội dung nêu tại Báo cáo số 74/BC-BCT ngày 13 tháng 6 năm 2023; số 107/BC-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2023; số 160/BC-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2023 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu tại Công văn số 7551/VPCP-CN, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu việc đề xuất về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà lấp đặt tại nhà ở, công sở công sở tại Việt Nam như sau:

1. Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về khuyến khích phát triển điện mặt trời

Về chủ trương của Đảng:

- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung: (i) Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; (ii) Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước;

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nêu rõ “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Về chính sách, pháp luật của nhà nước:

- Khoản 2 Điều 63 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”.

- Luật Điện lực số 28/2004/QH11 nêu “Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; Có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo”.

- Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có yêu cầu “Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng (ưu tiên mặt trời áp mái)” và ban hành dưới hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó có đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”. Về Phương án phát triển nguồn điện, Quyết định 500/QĐ-TTg có nêu “Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.

Về mặt tổng thể, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đã thể hiện tinh thần, quan điểm phát triển, đẩy mạnh khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo để phát điện, cần có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển để tự sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển loại hình nguồn điện mặt trời mái nhà đang có chiều hướng tăng nhanh và tự phát ở tất cả các loại hình (trên mái nhà ở, nhà xưởng sản xuất kinh doanh thương mại, khu công nghiệp ...). Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối tượng khuyến khích đầu tư, lắp đặt và chế tài xử lý các đối tượng nếu có vi phạm. Trên cơ sở đó, cần thiết ban hành cơ chế, quy định của pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện mặt trời mái nhà và các biện pháp quản lý nhà nước để quản lý đối tượng này.

2. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

2.1. Nội dung được giao tại Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 12 tháng 6 năm 2023: “Giao Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở, trong đó, kế thừa các nội dung phù hợp, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất trong các quy định trước đây cũng như bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực; đồng thời, làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an... trong tổ chức thực hiện”

- Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và đã tổng hợp, đề xuất tại Báo cáo số 107/BC-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2023.

- Đối với chỉ đạo bổ sung “cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực”, Bộ Công Thương đã báo cáo tại các Công văn số 107/BC-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2023 và 160/BC-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2023, trong đó cần sự quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước cả ở Trung ương và địa phương. Đối với cơ quan nhà nước ở Trung ương cần quản lý, giám sát về mặt tổng thể về quy hoạch phát triển, hướng dẫn thực hiện, công tác bảo đảm vận hành an toàn, an ninh hệ thống điện. Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương cần quản lý, giám sát sự phát triển theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, điện lực, môi trường, phòng chống cháy nổ.

- Đối với chỉ đạo “làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ”, Bộ Công Thương không đề xuất chính sách làm phát sinh thủ tục hành chính cho các Bộ. Tuy nhiên, để quản lý, kiểm tra, giám sát sự phát triển điện mặt trời mái nhà theo đúng yêu cầu của nhà nước, quy định của pháp luật, Bộ Công Thương thấy cần thiết phải có thủ tục hành chính và giao cho địa phương tổ chức thực hiện. Nội dung này Bộ Công Thương đã đề xuất trong Báo cáo số 160/BC-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2023 và tiếp tục nêu cụ thể trong Công văn này.

2.2. Nội dung được giao tại Công văn số 4452/VPCP-CN ngày 20 tháng 6 năm 2023: “Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các mặt tích cực và những điểm còn tồn tại, hạn chế của các quy định về điện mặt trời áp mái được cấp có thẩm quyền ban hành thời gian qua; trên cơ sở đó, kế thừa những chính sách phù hợp và nghiên cứu khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế, quy định rõ quy trình, thủ tục triển khai đăng ký, lắp đặt và vận hành hạng mục điện mặt trời áp mái tại nhà dân và cơ quan công sở, đồng thời nghiên cứu bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát thích hợp để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực; chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ; Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Xây dựng ... trong tổ chức thực hiện như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 12 tháng 6 năm 2023, hạn chế những nội dung quy định giao việc cho cơ quan khác”

Đối với các ý kiến chỉ đạo nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất trong Báo cáo số 107/BC-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2023, Báo cáo số 160/BC-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2023 và tiếp tục nêu cụ thể trong Công văn này.

2.3. Nội dung được giao tại Công văn số 6079/VPCP-CN ngày 09 tháng 8 năm 2023: “khẩn trương, trực tiếp làm việc với Bộ Tư pháp để thống nhất thẩm quyền và hình thức văn bản ban hành chính sách; trên cơ sở đó, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ và dự thảo văn bản, bảo đảm chính sách được quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, dễ tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu", cân nhắc để xuất việc bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp lắp đặt tự sản, tự tiêu”

Đối với các ý kiến chỉ đạo nêu trên, Bộ Công Thương đã nêu cụ thể trong Báo cáo số 160/BC-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2023.

2.4. Nội dung được giao tại Công văn số 7551/VPCP-CN ngày 30 tháng 9 năm 2023: “làm rõ hơn cơ sở khoa học, thực tiễn của việc đề xuất các nội hàm cơ bản định hướng xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà. Khi đề xuất chính sách cần thể hiện được ý kiến chỉ đạo trước đây của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như tiếp thu ý kiến xác đáng, hợp lý của các cơ quan có liên quan”

- Đối với chỉ đạo “làm rõ hơn cơ sở khoa học, thực tiễn của việc đề xuất các nội hàm cơ bản định hướng xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà”, Bộ Công Thương kính báo cáo như sau:

+ Về cơ sở khoa học: Nguồn điện mặt trời mái nhà là nguồn điện được sản xuất từ hệ thống trang bị điện, trong đó có các tấm quang điện để biến đổi quang năng (năng lượng bức xạ mặt trời) thành điện năng. Như vậy, hoạt động của nguồn điện mặt trời hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết (nắng, mây, mưa, ngày - đêm). Khi có bức xạ mặt trời, thông qua các trang bị điện, nguồn điện được sinh ra và cấp cho phụ tải. Khi không có bức xạ mặt trời, tấm quang điện không nhận được năng lượng, dẫn đến không có nguồn điện cấp cho phụ tải. Trong trường hợp này, phụ tải cần hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp lượng điện thiếu hụt để tiếp tục hoạt động. Theo đó, nguồn điện mặt trời cần thiết có sự liên kết với lưới điện quốc gia, đây là giải pháp tối ưu nhất cho sự phát triển điện mặt trời mái nhà. Do đó, về mặt vật lý, sự phát triển điện mặt trời mái nhà cần thiết sự hỗ trợ từ lưới điện quốc gia.

[...]
2