Loading


Báo cáo 197/BC-UBTVQH14 năm 2017 về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 197/BC-UBTVQH14
Ngày ban hành 23/10/2017
Ngày có hiệu lực 23/10/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Vũ Hồng Khanh
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 197/BC-UBTVQH14

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2017

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ VÀ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG - KINH DOANH - CHUYỂN GIAO (BOT)

Kính gửi: Các vị Đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết số 235/NQ-UBTVQH14 ngày 25/8/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 321/NQ-UBTVQH14 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)". Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương báo cáo với các nội dung, yêu cầu cụ thể đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các doanh nghiệp dự án, các ban quản lý dự án, ngân hàng thương mại cho vay các dự án giao thông BOT báo cáo; tổ chức các buổi làm việc, khảo sát tại các dự án trên địa bàn các địa phương1. Ngày 24/7/2017, Đoàn giám sát đã tổ chức buổi làm việc xem xét các báo cáo của Chính phủ và các Bộ, ngành2.

Ngày 15/8/2017, tại Phiên họp thứ 13 của UBTVQH khóa XIV, Đoàn giám sát đã trình UBTVQH báo cáo kết quả giám sát cùng với dự thảo Nghị quyết chuyên đề của đợt giám sát này.Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các bộ, ngành có liên quan, Đoàn giám sát đã hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo giám sát, Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH.

Sau đây, UBTVQH xin báo cáo Quốc hội các nội dung chủ yếu về kết quả giám sát như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH BAN HÀNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẦU TƯ VÀ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG BOT

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT

1.1. Đường lối, chủ trương của Đảng

Phát triển kết cấu hạ tầng luôn giữ vai trò quan trọng và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng đều xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước là: Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng xác định: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong ba đột phá chiến lược.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, đang là một trong những yếu tố gây cản trở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và khả năng tăng cường sức mạnh quốc phòng của nước ta. Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển tăng chậm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thì nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng giảm. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội là một chủ trương đúng đắn để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Chủ trương này đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" đã khẳng định "Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội", và đưa ra giải pháp "Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư theo các hình thức PPP, BT, BOT...". Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một lần nữa khẳng định "đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án".

1.2. Các Luật, Nghị quyết của Quốc hội

Hình thức đầu tư BOT được điều chỉnh chủ yếu bởi các Luật: Luật Đầu tư công quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh; Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp;Luật Đấu thầu quy định quản lý nhà nước về đấu thầu;Luật Xây dựng quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng;Luật Đất đai quy định về quản lý và sử dụng đất đai.Ngoài ra, còn có một số luật khác như: Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;Luật Giao thông đường bộ; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Giá.

Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Quốc hội cũng ban hành: Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-20203...

1.3. Các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành cơ quan Trung ương

Trước đòi hỏi của thực tiễn và triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật quy định, điều chỉnh, hoàn thiện các hoạt động liên quan đến việc đầu tư theo hình thức PPP. Điển hình là sau khi ban hành các Nghị định quy định về đầu tư dự án theo hình thức PPP, trong đó có hình thức đầu tư BOT như Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 (Nghị định 78), Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 (Nghị định 108), Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 (Nghị định 24) và đặc biệt là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 (Nghị định 15). Ngoài ra, còn nhiều quy định về các lĩnh vực có liên quan đến hình thức đầu tư PPP như lĩnh vực đất đai, đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, về giá, bảo vệ môi trường, về doanh nghiệp, ngân sách nhà nước…

1.4. Các văn bản pháp luật của các cấp chính quyền địa phương

Căn cứ vào các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện triển khai các dự án BOT trên địa bàn, không ban hành thêm văn bản quy định, hướng dẫn. Cá biệt, có một số địa phương ban hành thêm các văn bản pháp luật có liên quan, nhưng chủ yếu là các quyết định về mức thu phí4.

2. Đánh giá nội dung chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT

2.1. Tính cấp thiết và kịp thời

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết. Hình thức đầu tư PPP trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao(BT)… nói chung đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông.Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã liên tục nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện quản lý, triển khai thực hiện đầu tư dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Ngày 27/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 108 quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT (có sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 24) thay thế cho Nghị định 78. Nghị định 108 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 78 về thẩm quyền phê duyệt đầu tư là trách nhiệm của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền(không giao Nhà đầu tư thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án); tuy chưa đầy đủ, chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng đã có quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm cả việc tổ chức đấu thầu đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất trong trường hợp sau khi công bố dự án có nhiều hơn một nhà đầu tư đăng ký5.

Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2015, thay thế cho Nghị định 108 sau hơn 5 năm áp dụng. Nghị định 15 đã quy định 7 hình thức hợp đồng theo nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế trong đó có hình thức hợp đồng BOT, khắc phục được một số hạn chế của Nghị định 108 bằng việc quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, như: các quy định chặt chẽ về điều kiện sử dụng phần vốn đầu tư công của Nhà nước tham gia thực hiện dự án nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng cũng như ưu tiên cho các dự án có tính khả thi cao do Nhà nước lập đề xuất dự án6.

Do hình thức đầu tư PPP trong đó có hình thức hợp đồng BOT còn ít kinh nghiệm thực hiện ở Việt Nam và có nhiều nội dung phức tạp nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, chưa rõ ràng, có những quy định còn có cách hiểu khác nhau giữa các Bộ, ngành hoặc chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế dẫn đến các vướng mắc trong quá trình áp dụng,cụ thể là hơn một năm sau ngày Nghị định 15 được ban hành thì mới có Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) hướng dẫn chi tiết về hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư. Hiện tại, mẫu hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng chưa được hướng dẫn, mới có quy định thẩm định vốn đối với các dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước, chưa có quy định về thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng, chi tiết trong việc xác định các chỉ tiêu của phương án tài chính dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện dự án...

2.2. Tính phù hợp, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả của các chính sách, pháp luật

Các văn bản pháp luật về đầu tư công trình theo hình thức PPP trong đó có hình thức hợp đồng BOT được ban hành cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, thường xuyên có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, chế tài xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khắc phục hậu quả đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Mặc dù Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư đã có quy định về hình thức đầu tư PPP nhưng còn rất chung chung, văn bản pháp lý cao nhất quy định cụ thể, chi tiết về hình thức đầu tư PPP mới dừng ở mức Nghị định mà chưa có luật riêng, ngoài ra còn rất nhiều quy định nằm rải rác ở các Luật chuyên ngành nên vẫn tồn tại những khoảng trống pháp luật. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu triển khai cho đến thực hiện, hoàn thành đưa vào khai thác, chưa lường hết tác động đối với đối tượng bị ảnh hưởng7. Nhiều nội dung phân công cho nhiều đầu mối quản lý nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, thiếu các chế tài xử lý vi phạm và biện pháp quản lý giám sát nên trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, việc thực thi trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền khó bảo đảm hiệu lực và tính răn đe. Bên cạnh đó, giữa các luật cũng đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn và chưa xét đến đặc thù của hình thức đầu tư PPP.

[...]
3