Loading


Báo cáo 207/BC-CP năm 2016 tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 207/BC-CP
Ngày ban hành 16/07/2016
Ngày có hiệu lực 16/07/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/BC-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng, được Đảng và Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016; là đợt vận động, sinh hoạt dân chủ sâu rộng để sáng suốt lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp triển khai công tác bầu cử theo quy định; bố trí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.

Chính phủ báo cáo tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (dưới đây gọi chung là công tác bầu cử) như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẦU CỬ CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Về ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04 tháng 01 năm 2016 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết ấn định và công bố ngày bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền:

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2016 về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16 tháng 01 năm 2016 về hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Chính phủ phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01 tháng 02 năm 2016 về quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 02/TT-BNV ngày 01 tháng 02 năm 2016 về hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2016 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử; Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số 151/KH-BTTTT ngày 15 tháng 01 năm 2016 về thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử; Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 564/KH-TTCP ngày 24 tháng 3 năm 2016 về kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kế hoạch số 634/KH-TCCP ngày 30 tháng 3 năm 2016 về phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cuộc bầu cử; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn số 82/HD-BTĐKT ngày 20 tháng 01 năm 2016 thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức bầu cử; đồng thời các Bộ, ngành Trung ương đã kịp thời có nhiều văn bản hướng dẫn và trả lời các địa phương về công tác bầu cử.

2. Về chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ bầu cử

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn về bầu cử, thực hiện công tác bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm đúng các quy định về bầu cử; cụ thể như sau:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nội dung công tác bầu cử.

- Tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Tổng hợp và biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ bầu cử, phân công báo cáo viên có kinh nghiệm phổ biến, hướng dẫn những nhiệm vụ cụ thể của tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là thành viên Tổ bầu cử. Tại Hội nghị tập huấn này, đã trao đổi, thảo luận về những tình huống, khả năng phát sinh và những bài học kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước đây. Qua các Hội nghị này, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan ở Trung ương trực tiếp hướng dẫn, trả lời những kiến nghị của địa phương hoặc tiếp thu để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung.

- Tổ chức 03 Hội nghị giao ban công tác bầu cử tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, với sự tham gia của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử của các địa phương theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia; hướng dẫn, giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh và đề xuất, kiến nghị của địa phương; đồng thời, tổng hợp báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, có văn bản hướng dẫn bổ sung về công tác bầu cử.

3. Về công tác thông tin, tuyên truyền và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ bầu cử

Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai các công việc thông tin, tuyên truyền và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ bầu cử, trong đó:

- Chủ động tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và đội ngũ thông tin cơ sở về công tác tuyên truyền bầu cử tại khu vực phía Bắc và phía Nam; lựa chọn 45 tư liệu ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử, xây dựng thành 01 bộ ảnh phục vụ cho các cuộc triển lãm về chủ đề này ở các địa phương.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị chức năng thường xuyên có các hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần, chấn chỉnh một số cơ quan báo chí vi phạm quy định về đưa tin.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã tập trung thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử; giới thiệu nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các văn bản hướng dẫn về bầu cử của Đảng, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là ở biên giới, hải đảo, các vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đông đồng bào theo các tôn giáo; tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, chương trình hành động của người ứng cử. Qua đó, nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần dân chủ, tự giác của công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử.

- Đến hết thời điểm bầu cử, 100% các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đã có tin, bài, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bầu cử, với số lượng hơn 4.000 tin, bài về kết quả hiệp thương, lịch trình, thời gian các công việc liên quan đến công tác bầu cử, kết quả niêm yết danh sách, chương trình hành động của người ứng cử, công tác vận động bầu cử. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phản ánh về công tác chuẩn bị, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, cử tri trong cả nước, tạo không khí vui tươi phấn khởi, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân; trong đó một số cơ quan báo chí đã tuyên truyền tốt như: Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân, Báo điện tử Chính phủ, Báo Lao động, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo điện tử Dân trí, Báo điện tử VietNamNet, Báo Tiền phong...

- Trên cơ sở các quy định của pháp luật về “Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện để phóng viên các cơ quan báo chí chứng kiến việc kiểm phiếu để phản ánh trung thực kết quả việc kiểm phiếu.

- Thường xuyên kiểm tra nội dung thông tin phát sóng, đăng tải trên các báo, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trực tuyến về các nội dung liên quan đến cuộc bầu cử; chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những sai phạm về đưa tin.

- Sau ngày bầu cử, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về thành công của cuộc bầu cử. Phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả bầu cử. Điểm báo dư luận trong và ngoài nước về kết quả bầu cử.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt phục vụ bầu cử; tổ chức trưng bày tem bưu chính tuyên truyền về bầu cử và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông gửi hàng chục triệu tin nhắn đến các thuê bao điện thoại để vận động cử tri đi bầu cử.

- Tăng cường công tác an toàn thông tin trong suốt quá trình diễn ra bầu cử, tổ chức triển khai thực hiện các phương án kiểm soát tần số, bảo đảm an toàn mạng lưới viễn thông, mạng lưới internet và an toàn thông tin liên lạc; chỉ đạo giám sát cung cấp thông tin trên mạng; phòng, chống các sự cố mạng và tội phạm sử dụng mạng. Tổ chức ứng trực tiếp nhận, cảnh báo, điều phối và ứng cứu sự cố của toàn bộ mạng lưới điều phối, ứng cứu sự cố internet, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với các sự cố an toàn thông tin. Kịp thời xử lý các nguồn phát tán thông tin trên mạng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

[...]
1