Loading


Báo cáo số 2484/BC-BNV về việc kết quả kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 2484/BC-BNV
Ngày ban hành 28/08/2007
Ngày có hiệu lực 28/08/2007
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2484/BC-BNV

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2007

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Thực hiện Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ năm 2007, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch và phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại 3 Bộ và 6 tỉnh, thành phố. Hoạt động kiểm tra được thực hiện và kết thúc trong quý II năm 2007 theo quy định. Bộ Nội vụ trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra bao gồm các nội dung chính như sau:

1. Những ưu điểm trong công tác chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thời gian qua

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm từ rất sớm, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, trong một thời gian tương đối dài, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thiếu một sự chỉ đạo tập trung mang tính chiến lược. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 1996 về việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và giao cho Ban Tổ chức – cán bộ Chính phủ (Bộ Nội vụ) thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được tăng cường và đi vào nề nếp. Những ưu điểm cơ bản của công tác chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch được Đoàn kiểm tra thống nhất nhận định như sau:

1.1. Trong hơn 10 năm qua (1996-2007) thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 10 văn bản khác nhau để chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực cho từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những văn bản tham mưu được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có giá trị nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Căn cứ vào các chính sách Chính phủ quy định, các Bộ, ngành, địa phương (3/3 Bộ và 6/6 tỉnh, thành phố được kiểm tra) đã xây dựng các văn bản điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, như Quy chế đào tạo, bồi dưỡng, các chính sách khuyến khích cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ phù hợp với đặc thù, tính chất của Bộ, ngành, địa phương. Nhiều địa phương đã thành lập Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm thống nhất và nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các Bộ, ngành, địa phương luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Các chính sách quy định của Nhà nước đã tạo được phong trào học tập nâng cao trình độ trong đội ngũ cán bộ, công chức; các quy định về các chuẩn trình độ, nhìn chung, đã được cán bộ, công chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

1.2. Thực hiện các văn bản, chính sách quy định, các cơ quan chức năng đã xây dựng được một hệ thống các cơ quan quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tương đối đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương. Việc hình thành hệ thống quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng thuộc ngành tổ chức nhà nước đã góp phần quyết định trong việc đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Trong hơn 10 năm qua, Bộ Nội vụ, Vụ Tổ chức – cán bộ các Bộ, ngành, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã làm đúng chức năng được quy định tại Quyết định số 874/QĐ-TTg, Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, của Lãnh đạo các cấp; không có hiện tượng ban hành văn bản hoặc ra Quyết định vượt thẩm quyền.

Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được xây dựng theo đúng các chính sách quy định, bao gồm các Học viện, 64 Trường Chính trị cấp tỉnh, gần 30 Trường (Trung tâm) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành và hơn 600 Trung tâm Chính trị cấp huyện. Nhìn chung, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang trong giai đoạn xây dựng, phát triển để ngày càng thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao.

1.3. Kết quả kiểm tra cho thấy công tác quy hoạch, kế hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được cải tiến và quán triệt thực hiện nghiêm túc hơn. Điều này được thể hiện trên một số mặt cụ thể sau:

Một là, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo các giai đoạn 2001 – 2005, 2006 – 2010; các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng loại đối tượng hay nội dung cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, như Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg; Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg về đào tạo tiếng dân tộc … Các Kế hoạch, Chỉ thị ban hành là những văn bản chỉ đạo kịp thời cho việc định hướng xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước. Sau khi các văn bản được ban hành đều có các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện.

Hai là, các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối có hiệu quả các Kế hoạch đã ban hành. Việc nghiên cứu các văn bản tổng hợp báo cáo và kết quả kiểm tra cho thấy, nếu như năm 2001 chỉ có gần 80% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001 – 2005 ban hành kèm theo Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2006 có 99,4% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 – 2010. Đối với các Kế hoạch khác, các Bộ, ngành, địa phương đều có kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng đơn vị, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Ba là, tính quy hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được cải thiện. Từ việc nghiên cứu các số liệu và báo cáo, Đoàn kiểm tra cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng bớt tính hình thức đi mà đi vào thực chất hơn, đào tạo đúng người hơn, đúng nội dung hơn và hướng vào sử dụng lâu dài hơn. Điều này đã góp phần làm tăng nhanh số lượng cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản gắn với địa chỉ sử dụng, đặc biệt đối với cán bộ, công chức cấp xã. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, số lượng công chức cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn trở lên đến năm 2010 có thể sẽ vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra (hiện nay các tỉnh Hòa Bình, Tiền Giang đã có tới 60-70% công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên và đang phấn đấu 100% có trình độ trung cấp trở lên vào năm 2010; trong khi chỉ tiêu đặt ra cho các địa phương này là 70 – 80%).

1.4. Chất lượng đội ngũ cán bộ,công chức ngày càng được nâng cao. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong hơn 10 năm qua đã được thực hiện theo một lộ trình hợp lý nhằm mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và trên thực tế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến rõ rệt. Kết quả thực hiện các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 1996-2000, 2001-2005 và 2006-2010, đến nay tuyệt đại đa số cán bộ, công chức đã đáp ứng yêu cầu quy định của tiêu chuẩn ngạch và đang hướng tới thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu.

Các Bộ, ngành, địa phương cũng như các thành viên Đoàn kiểm tra đều thống nhất nhận định, chính sự chuyển biến tích cực về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức trong những năm qua là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Những hạn chế và nhược điểm cơ bản trong công tác chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Mặc dù thống nhất về một số kết quả cơ bản đã đạt được như đã trình bày ở trên, Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác thực hiện chính sách, kế hoạch trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức như sau:

Một là, một số chính sách, kế hoạch, chế độ ban hành thiếu sự thống nhất, chồng chéo hoặc mâu thuẫn, không đúng thẩm quyền đã làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với địa phương. Các chính sách đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng ở địa phương hiện nay được hình thành chủ yếu từ hai nguồn: các văn bản của các cấp ủy đảng và các văn bản của Nhà nước. Một số văn bản của Đảng hiện nay không phù hợp hoặc khác với quy định của Nhà nước, như việc quy định chế độ giảng dạy, chế độ trả thù lao vượt giờ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; chế độ phụ cấp cho giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện, phụ cấp cho học viên của Ban Tổ chức Trung ương … Các quy định này chỉ được một số tỉnh, thành phố thực hiện đã tạo nên một tình trạng không thống nhất trong việc thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng …

Trong khi đó tại một số văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng có hiện tượng mâu thuẫn, như việc giao Bộ Nội vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch … đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số (Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg) trong khi nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc theo Nghị định số 51/2003/NĐ-CP của Chính phủ …

Hai là, một số chính sách chậm ban hành hoặc chậm sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế luôn thay đổi.

Trong thời gian qua các chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chỉ mới tập trung cơ bản vào các đối tượng công chức hành chính và cán bộ, công chức cấp xã; các chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng viên chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Nhà nước chưa có chính sách chung cho việc xây dựng, củng cố các Trường Chính trị cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành. Việc thực hiện chính sách phân bổ chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng, qua kiểm tra cho thấy chỉ tiêu phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% nhu cầu của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, việc quy định chế độ sử dụng chỉ tiêu như hiện nay (450.000 đồng/1 suất đào tạo 10 tháng) chỉ còn phù hợp với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch (lớp đông người, sử dụng ít trang thiết bị, giảng viên cơ hữu …); nhưng không còn phù hợp với việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu chuyên sâu (lớp ít người, sử dụng thiết bị hiện đại, giảng viên kiêm chức …).

Ba là, năng lực đào tạo, bồi dưỡng hạn chế đã làm ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Kết quả kiểm tra cho thấy những hạn chế trong năng lực đào tạo, bồi dưỡng thể hiện trên 5 mặt cơ bản: năng lực tham mưu, điều hành; đội ngũ giảng viên; hệ thống chương trình, tài liệu; phương pháp giảng dạy và những hạn chế về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Năng lực tham mưu, điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng hạn chế đã làm cho việc triển khai một số văn bản còn chậm, như việc hướng dẫn thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế triển khai chưa được đồng bộ đối với cả các Bộ, ngành cũng như địa phương …. Đại đa số giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa qua hoạt động thực tiễn nên việc trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hiện công vụ cho học viên còn yếu; trong khi đó đội ngũ giảng viên kiêm chức chưa được chú ý xây dựng và thiếu năng lực sư phạm. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhiều cấp bậc; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn trùng lặp về nội dung, nặng về lý thuyết mà thiếu kiến thức thực tiễn. Phương pháp giảng dạy theo các chương trình này chủ yếu vẫn là đọc, nghe và ghi chép không phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra. Bên cạnh đó, những hạn chế trong việc bố trí kinh phí đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài mà Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

3. Những kiến nghị và đề xuất

Căn cứ vào những ưu điểm cũng như những tồn tại và yêu cầu của công tác chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra thống nhất đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:

3.1. Chính phủ cần quy định một số đầu mối quản lý thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là trong lĩnh vực ra chính sách. Việc ra chính sách cần tập trung vào cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Nội vụ). Cơ quan quản lý nhà nước công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sẽ thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước, tạo nên một hệ thống thể chế thống nhất. Hệ thống chính sách, trước mắt, cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu công việc của cán bộ, công chức. Việc giải quyết các vấn đề trên đây sẽ khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong chính sách; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và tính khả thi của chính sách để chính sách thực sự là công cụ quản lý có hiệu lực và hiệu quả.

3.2. Thể chế hóa và xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Cần thể chế hóa về mặt Nhà nước các Trường Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ra chính sách chung về xây dựng và phát triển các Trường (Trung tâm) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành. Tiến hành phân định rõ chức năng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với chức năng của cơ sở đào tạo theo hệ giáo dục quốc dân; từ đó có chính sách hợp lý trong xây dựng hệ thống các Trường Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các Trường (Trung tâm) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành; trong đó có các các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đội ngũ giảng viên v.v.

Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tự chủ và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở (kể cả các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học của hệ thống giáo dục quốc dân) trong việc đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức theo yêu cầu công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức.

3.3. Tập trung chỉ đạo và thực hiện sự chuyển hướng sang đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí công việc và nhu cầu công việc. Thực tế cho thấy chính sách chuyển hướng sang đào tạo, bồi dưỡng trang bị kỹ năng nghiệp vụ và theo nhu cầu công việc như trong Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ là hợp lý, phù hợp với xu thế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay trên thế giới. Để tạo bước chuyển cơ bản của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời kỳ mới cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2010 – 2020. Trước mắt, cần xây dựng chính sách quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức với mục tiêu cơ bản là trang bị kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của từng vị trí công việc. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng (bắt buộc) hàng năm là một bước chuyển cần thiết để người dạy và người học tiếp cận dần với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng mới thiết thực hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời chế độ đào tạo, bồi dưỡng (bắt buộc) hàng năm sẽ góp phần từng bước nâng cao tính tự giác của mỗi cán bộ, công chức trong việc học và tự học để làm việc cho tốt.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ