Loading


Báo cáo 362/BC-CP năm 2012 việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải do Chính phủ ban hành

Số hiệu 362/BC-CP
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 28/12/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 362/BC-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

BÁO CÁO

VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước, đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Trong những năm qua, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT như sau:

I. VIỆC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm:

- Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP).

- Nghị định số 33/2011/NĐ-CP ngày 16/5/2011 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP.

- Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

- Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20/7/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

- Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP và Nghị định số 44/2006/NĐ-CP.

- Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải (thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ- CP).

- Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 21/6/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

- Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 3/6/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (thay thế Nghị định số 91/2007/NĐ-CP).

2. Đánh giá

- Nhìn chung, trong thời gian qua công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT được quan tâm đúng mức đã bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời và nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; các văn bản được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, có tính răn đe đối với người vi phạm, nhiều nội dung đã được quy định cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, với diễn biến ngày càng phức tạp của tai nạn giao thông, thái độ chống đối người thi hành công vụ, tốc độ gia tăng nhanh của phương tiện nên một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đã bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp, mức chế tài xử phạt còn thấp đối với một số hành vi vi phạm nguy hiểm; việc phân định thẩm quyền xử phạt, xử lý vi phạm hành chính còn chồng chéo, thiếu rõ ràng làm giảm hiệu quả xử lý vi phạm hành chính.

- Sau khi các văn bản được ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo để tập huấn, quán triệt và giới thiệu rộng rãi cho người tham gia giao thông biết các nội dung, quy định trong các văn bản, qua đó từng bước góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Trong những năm qua, đặc biệt từ cuối năm 2010 đến nay, các Bộ, UBND đã có nhiều hoạt động cụ thể triển khai thực hiện công tác này thông qua hàng loạt các biện pháp mang tính vĩ mô và vi mô. Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch có liên quan đến công tác này đã được các cấp từ trung ương đến địa phương ban hành; hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú được triển khai để phù hợp với từng điều kiện, đối tượng cụ thể; công tác tuyên truyền, phổ biến cũng hướng đến nhiều đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp và người tham gia giao thông...

Tuy nhiên, trong thực tế, các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực cho hoạt động này còn hạn chế. Trong khi đó, địa bàn cũng như đối tượng cần được phổ biến rất khác nhau. Công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên, liên tục. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu chuyên nghiệp, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền nên hiệu quả còn hạn chế; công tác giáo dục an toàn giao thông, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, học sinh các cấp học chưa đạt kết quả như mong đợi, chưa hình thành được văn hóa giao thông, đạo đức giao thông trong cộng đồng xã hội.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

 1. Lĩnh vực đường bộ

a) Tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, các loại vi phạm phổ biến

- Nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: đi không đúng phần đường, lấn đường, tránh, vượt trái quy định; vi phạm quy định về tốc độ; dừng đỗ xe trái quy định; không chấp hành biển báo hiệu; chở quá số người quy định, chở quá tải trọng; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Đây là nhóm hành vi phạm bị phát hiện và xử lý nhiều nhất.

- Các hành vi vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: phần lớn vi phạm là hành vi điều khiển xe không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp.

-  Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn: mặc dù tình trạng lái xe sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định còn phổ biến nhưng việc phát hiện và xử phạt còn thấp. Năm 2011 phát hiện và xử lý hơn 70.000 trường hợp vi phạm, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010 (riêng trong tháng An toàn giao thông, tháng 9/2011 trên toàn quốc tập trung cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đã phát hiện, xử lý 12.102 trường hợp vi phạm).

- Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: chủ yếu là các hành vi thay đổi kết cấu thiết kế phương tiện trái phép; không đăng kiểm khi hết hạn; đưa phương tiện không đủ điều kiện, không bảo đảm an toàn giao thông vào lưu hành.

- Các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: chủ yếu là các hành vi lấn chiếm, xây dựng, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ, san lấp, mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính, thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công, không đảm bảo các điều kiện an toàn khi thi công trên đường bộ đang khai thác, vi phạm quy định về tải trọng cầu, đường bộ (trong năm 2011 Thanh tra Tổng cục Đường bộ VN đã phát hiện xử lý hơn 5.000 trường hợp vi phạm); lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bày bán hàng hóa, trông giữ phương tiện trái phép (hành vi này phổ biến ở các thành phố lớn, riêng Hà Nội trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý hơn 20.000 trường hợp vi phạm).

- Vi phạm về an toàn vận tải: tập trung vào các vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải như: xe khách dừng, đón, trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; xe ô tô chở hàng quá tải trọng thiết kế của xe, quá tải trọng cầu, đường bộ; xe ô tô chở hàng rời, vật liệu rời không che phủ bạt hoặc có che phủ bạt nhưng vẫn để rơi vãi.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ