Loading


Báo cáo 624/BC-BYT năm 2023 về kết quả rà soát quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 624/BC-BYT
Ngày ban hành 11/05/2023
Ngày có hiệu lực 11/05/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Liên Hương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 624/BC-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2023

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VÀ THỰC TIỄN TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ, QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thực hiện Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 27/4/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19, gửi xin ý kiến và tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (văn bản góp ý kèm theo). Bộ Y tế kính báo cáo kết quả thực hiện như sau:

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ

I. Thực trạng xử lý chất thải y tế

1. Thực trạng nguồn phát sinh chất thải y tế

Theo số liệu thống kê báo cáo: cả nước có 51.962 cơ sở y tế, bao gồm 13.641 cơ sở y tế công lập và 38.321 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó:

- 73 cơ sở y tế công lập tuyến trung ương (42 bệnh viện; 31 cơ sở khác);

- 838 cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh (428 bệnh viện; 410 cơ sở y tế dự phòng);

- 1.599 cơ sở y tế công lập tuyến huyện (570 bệnh viện; 649 trung tâm y tế tuyến huyện và 380 phòng khám đa khoa khu vực);

- 11.131 trạm y tế xã;

- 321 bệnh viện ngoài công lập; 38.000 phòng khám ngoài công lập

2. Kết quả xử lý chất thải y tế

2.1. Về xử lý nước thải y tế

- Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm.

- Tính theo tỷ lệ nước thải y tế được xử lý: tỷ lệ nước thải y tế tại bệnh viện được xử lý năm 2021 là 93% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

- Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý nước thải đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 95%, tuyến tỉnh đạt 94,2%, tuyến huyện đạt 94,6%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 50,76%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu tại Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 2038) đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập từ trung ương đến địa phương thực hiện xử lý nước thải y tế chưa đạt mục tiêu Đề án 2038, chủ yếu là trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý nước thải y tế đạt tỷ lệ khá cao (trên 94%), gần đạt mục tiêu Đề án 2038.

2.2. Về xử lý chất thải rắn y tế

- Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình là: 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày.

- Tính theo tỷ lệ chất thải y tế được xử lý: tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý là 95% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

- Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 99%, tuyến tỉnh đạt 99%, tuyến huyện đạt 98%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 62,4%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu Đề án 2038 đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý chất thải rắn y tế cơ bản đạt mục tiêu Đề án 2038 (trên 98%). Tuy nhiên, các trạm y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực mới chỉ đạt 62,4%.

2.3. Về xử lý khí thải

Các cơ sở y tế có phát sinh khí thải từ hoạt động chuyên môn y tế đã thực hiện thu gom và xử lý thông qua các tủ hút tại chỗ. Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đã thực hiện giám sát khí thải lò đốt theo QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhưng chưa thường xuyên. Một số lò đốt chất thải rắn y tế chưa đạt QCVN chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cần được các địa phương rà soát và cho dừng hoạt động và chuyển sang phương pháp phù hợp khác.

II. Phân công nhiệm vụ quản lý chất thải y tế theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế như sau:

(1) Quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ