Loading


Chỉ thị 02/CT-BTC năm 2019 thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 02/CT-BTC
Ngày ban hành 13/09/2019
Ngày có hiệu lực 13/09/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2019

 

CHỈ THỊ

THỰC HIỆN THẮNG LỢI, TOÀN DIỆN CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐƯỢC GIAO, HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TÀI CHÍNH VIỆT NAM (28/8/1945 -28/8/2020)

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước, của ngành Tài chính: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9; Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính sẽ chủ trì tổ chức tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2020.

Để thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Bộ trường Bộ Tài chính chỉ thị:

1. Toàn thể các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết: Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016- 2020, góp phần cùng cả nước hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; Các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước, bảo đảm tính ổn định, bền vững của NSNN phù hợp với quá trình hội nhập và các cam kết quốc tế đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân sách, trọng tâm là lĩnh vực Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Kho bạc Nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

3. Quản lý, điều hành tài chính - NSNN chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và hiệu quả, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại NSNN; cơ cấu lại nguồn thu, thực hiện tốt công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu, chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu tăng thu so với dự toán Quốc hội giao. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép; Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, thực hiện nghiêm Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Tiếp tục rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đảm bảo tinh gọn, hoạt động, hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

5. Chủ động hội nhập tài chính quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, phát triển an toàn thị trường tài chính, thực hiện tốt các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Mở rộng hợp tác tài chính song phương, khu vực đa phương; tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2020.

6. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý giá cả, thị trường, có giải pháp hữu hiệu phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán phát sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới; nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt.

7. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ.

8. Thực hiện nghiêm Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức, đơn vị thuộc ngành Tài chính coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin, tinh thần phấn khởi, tự hào về ngành; tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết, tạo không khí phấn khởi và động lực mới, phấn đấu thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Quán triệt việc không tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2020).

9. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng; Tập trung đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành từ năm 2016 đến nay, đúc kết bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, thiết thực hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V và chào mừng 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính.

10. Tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, cụ thể:

- Phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị; Tổ chức thành công Hội nghị Điển hình tiên tiến các cấp, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước từ năm 2016 đến nay, phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng và khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

- Tổ chức hoạt động tuyên truyền sâu rộng về 90 năm ngày thành lập Đảng, 45 năm ngày giải phóng Miền Nam, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 và 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên các Cơ quan báo ngành.

- Tiếp tục sưu tầm, tổ chức trưng bày về các hình ảnh, hiện vật, thành tựu của ngành Tài chính 75 năm xây dựng trưởng thành.

- Tổ chức Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính.

- Tiếp tục xây dựng phim tài liệu lịch sử truyền thống ngành Tài chính Việt Nam và nghiên cứu xuất bản kỷ yếu lịch sử ngành Tài chính nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính trên cơ sở kế thừa những tài liệu, hiện vật đã có, đảm bảo tính đầy đủ chiều dài lịch sử của ngành Tài chính Việt Nam.

Việc thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức, lãng phí, động viên được sự nhiệt tình, tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành gắn với việc phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị về tài chính - ngân sách của ngành.

11. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị này tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Tài chính. Các tổ chức đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và lãnh đạo các cấp tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019, kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia (2016 - 2020) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020).

12. Giao Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra, đôn đốc và báo cáo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các tổ chức, đơn vị, doanh ngh
iệp thuộc Bộ (để thực hiện);
- Sở Tài chính các t
nh, thành phố (để phối hợp thực hiện);
- Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước các t
nh, thành ph(để thực hiện)
- Lưu: VT, VP
.

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ