Loading


Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 02/CT-TTg
Ngày ban hành 14/02/2015
Ngày có hiệu lực 14/02/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NỢ CÔNG

Thời gian qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định của Luật Quản nợ công, Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về nợ công trên cơ sở phân công nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành và địa phương.

Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường,... đã được hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều chương trình, dự án đang được triển khai, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác quản lý nợ có chuyển biến, dần tiếp cận gần hơn với thông lệ tốt trên thế giới. Cơ cấu nợ Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Chủ động trả nợ đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin, số liệu về nợ công.

Tuy nhiên, nợ công đang tăng nhanh, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ sát giới hạn Quốc hội phê duyệt. Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Chi phí huy động vốn vẫn còn cao. Một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt được mục tiêu đề ra. Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, bổ sung hợp đồng diễn ra khá phổ biến dẫn đến phải tăng vay nợ, gây áp lực gia tăng nợ công.

Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế trên là do: Áp lực tăng vay nợ cho đầu tư phát triển rất lớn thúc đẩy gia tăng nợ công. Thị trường vốn trong nước chưa phát triển nên phải huy động vốn ngắn hạn. Việc huy động, phân bổ sử dụng vốn vay chủ yếu mới căn cứ vào đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương, chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát vào các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức vay phù hợp với khả năng trả nợ, chưa gắn trách nhiệm với người quyết định vay và người sử dụng có hiệu quả vốn vay. Năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế, chưa thực hiện tốt các khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết các hợp đồng xây lắp, mua sắm trang thiết bị và dịch vụ tư vấn, công tác đền bù, di dân và giải phóng mặt bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác tổ chức và quản lý nợ công còn có sự phân tán, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu huy động vốn (đề xuất danh mục, lựa chọn dự án ưu tiên sử dụng vốn vay, xác định cơ chế sử dụng vốn vay, công tác vận động, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế) với khâu tổ chức thực hiện và trả nợ vay, làm bị động trong việc cân đối nguồn vay trả nợ, thanh toán, đối chiếu, quyết toán, kiểm toán số liệu về nợ công cũng như khuyến khích việc sử dụng vốn vay thực sự hiệu quả, tiết kiệm. Việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.

Trong thời gian tới, để xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực ngoài nhà nước, Nhà nước vẫn phải sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước và các cơ quan tổ chức có liên quan:

I. TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NỢ CÔNG, BẢO ĐẢM AN TOÀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA VÀ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay.

2. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

3. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 05 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

4. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu hồi nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

5. Chủ động bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để đảm bảo trả nợ Chính phủ đúng hạn.

6. Tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các tiêu chí nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép (nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ dưới 25%).

7. Rà soát thể chế, xây dựng chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý nợ công, từ khâu quyết định chủ trương vay, tổ chức huy động vốn vay, sử dụng vốn, thu hồi vốn vay, trả nợ và giám sát tình hình thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trước mắt từ nay đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành thực hiện một số công việc cụ thể như sau:

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý nợ công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý III năm 2015; sớm ban hành Thông tư về quản lý tài sản bảo đảm đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ trong năm 2015; nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý cho vay lại đối với chính quyền địa phương, cơ chế đẩy mạnh cho vay lại thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016.

Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ theo hướng loại bỏ chính sách bảo lãnh Chính phủ đối với các tổ chức tài chính, tín dụng (riêng đối với các ngân hàng chính sách của nhà nước cần nghiên cứu để từng bước theo hướng thị trường vào thời điểm phù hợp), để tập trung vào các dự án trọng điểm được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

b) Rà soát Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, trình Chính phủ vào năm 2016. Nghiên cứu, xây dựng đề án về chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào quý IV năm 2015.

c) Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án chương trình trung hạn về trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế nhằm tăng cường huy động vốn vay dài hạn để tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn, giảm chi phí, chủ động và đa dạng hóa hình thức vay cho đầu tư phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2015; đề án xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2015.

d) Thẩm định chặt chẽ, đánh giá tác động của các khoản vay mới (chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương) lên nợ công, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và đảm bảo khả năng trả nợ vốn vay, nhất là khả năng trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đăng ký các khoản vay của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo trong giới hạn quy định.

đ) Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghĩa vụ của người bảo lãnh theo cam kết. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cho vay lại để thu hồi đầy đủ các khoản nghĩa vụ gốc, lãi và chi phí về Quỹ tích lũy trả nợ. Đảm bảo bền vững và khả năng cân đối của Quỹ tích lũy trả nợ.

e) Tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế đối với việc sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu theo dự án vay ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

g) Thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước (đến năm 2020 giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống 4% GDP). Chủ động, ưu tiên bố trí trong cân đối ngân sách nhà nước và phần vượt thu theo dự toán hàng năm để trả nợ, giảm nợ công.

h) Tiếp tục tăng cường minh bạch, công khai thông tin về nợ công; nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 53/2011/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2011 hướng dẫn mẫu biểu báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo hướng mở rộng phạm vi, rút ngắn thời gian thu thập số liệu, báo cáo và công bố thông tin nợ công.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ