Loading


Chỉ thị 03/CT-BTC năm 2011 về bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và quý I năm 2012 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 03/CT-BTC
Ngày ban hành 12/12/2011
Ngày có hiệu lực 12/12/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/CT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM THÌN VÀ QUÝ I NĂM 2012

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ và thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh); Cục trưởng Dự trữ Nhà nước khu vực căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và quý I năm 2012 như sau:

I. Về công tác bình ổn giá:

1. Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của địa phương thực hiện các công việc sau:

a) Theo dõi sát diễn biến cung cầu và tình hình giá cả thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, đường, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ đi lại, y tế…; chủ động đánh giá hiệu quả của các biện pháp và Chương trình bình ổn giá đã và đang thực hiện để tham mưu, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý tại địa phương.

b) Kiểm soát chặt chẽ đối với giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền. Thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường giá cả, các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp giãn thời gian điều chỉnh tăng giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá nhất là trong tháng cuối năm và dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012.

c) Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BCT-BTC ngày 4/8/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữa cơ quan Quản lý thị trường và cơ quan Quản lý giá; Đồng thời, tập trung vào việc kiểm tra, thanh tra kết quả thực hiện các nhiệm vụ bình ổn giá; việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện đăng ký, kê khai giá theo quy định như: lương thực, thực phẩm; thuốc chữa bệnh, đường, sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, cước vận tải hành khách... Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký, kê khai tăng giá không hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; hành vi đầu cơ găm hàng, thao túng giá cả; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trốn thuế; công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Phối hợp với Cục Thuế tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá. Tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi, nội dung chi không chấp hành đúng quy định, thủ tục hồ sơ, không đúng chế độ; các khoản chi không thực sự cấp bách, không thiết thực (liên hoan, tổng kết, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản…). Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ, ngân sách nhà nước để mua quà biếu, quà tặng không đúng quy định.

đ) Tổ chức triển khai đúng các chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được ban hành về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm chi phí sản xuất, lưu thông; góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ như: tổ chức thông quan hàng hoá kịp thời; rà soát bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật; thực hiện đúng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước cho sản xuất lưu thông.

e) Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá (đối với các địa phương có Chương trình bình ổn giá), mở rộng mạng lưới bán hàng và kịp thời đưa hàng bình ổn đến phục vụ người dân nhất là đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa; công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; người lao động có thu nhập thấp.

g) Kiểm tra kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành; tham mưu tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số.

h) Tham mưu thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đúng định hướng, tích cực, khách quan với phương thức và thời lượng phù hợp; tăng cường tính công khai, minh bạch về các biện pháp bình ổn giá tại địa phương đang áp dụng.

2. Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu, công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, phí; kết hợp với kiểm tra thực hiện pháp luật về giá; kiên quyết loại trừ những khoản chi không hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, Tài chính, Quản lý thị trường...) có biện pháp cụ thể và xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chuyển giá; thực hiện đúng các quy định về giãn, giảm, miễn thuế cho các đối tượng đã được pháp luật quy định.

3. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước đảm bảo tuân thủ đúng quy định, trình tự, thủ tục, thời gian; kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đúng chế độ, không đúng tiêu chuẩn, định mức; các khoản chi tiêu phải dừng thanh toán theo đúng quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

4. Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo thông quan nhanh chóng, đúng quy định trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán; tăng cường lực lượng, phương tiện và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

5. Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cứu đói cho dân trong thời gian giáp hạt và cho các vùng bị thiên tai, bão lũ...; có phương án cụ thể để bảo vệ an toàn kho tàng, hàng hoá... do đơn vị trực tiếp quản lý.

6. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và tất cả các đơn vị trong hệ thống ngành tài chính từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ, ngân sách nhà nước để mua quà biếu, quà tặng không đúng quy định; tổ chức tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, đặc biệt là gia đình bị ảnh hưởng của bão lũ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

7. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, ngoài việc chỉ đạo, thực hiện, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện tốt các công việc sau đây:

a) Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước điều hành, đảm bảo nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu chi của ngân sách trung ương và địa phương theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011. Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, kịp thời trình Bộ xử lý tăng tiến độ chuyển số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ giao để các địa phương có nguồn thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán.

b) Cục Quản lý giá, Vụ Chính sách thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường thế giới và trong nước; tham mưu kịp thời các biện pháp về thuế, về cơ chế tài chính, về điều hành giá và bình ổn giá đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát; triển khai các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương nhất là trong những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên Đán.

c) Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính có trách nhiệm chủ trì, tham mưu cho Bộ trong việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát.

d) Thanh tra Tài chính chủ trì thực hiện việc kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, giá, thuế, phí... theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá, kê khai giá với Bộ Tài chính; báo cáo Bộ kết quả kiểm tra và đồng gửi các đơn vị liên quan để phối hợp quản lý.

đ) Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các tỉnh, thành phố bị thiên tai, bão lũ, giáp hạt... đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả.

II. Thực hiện báo cáo về công tác giá

1. Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hoá nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011); đồng thời thực hiện hiện bổ sung báo cáo giá thị trường trong dịp Tết như sau:

- Từ ngày 01/01/2012: Trong các báo cáo thường kỳ (tuần, tháng) của Sở Tài chính các tỉnh gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) theo quy định hiện hành phải bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá nhu cầu, khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, trước hết là đối với các vật tư, nguyên liệu quan trọng; các loại thịt (lợn, gà, bò); cá; rau; củ; quả; gạo (nếp, tẻ); thực phẩm chế biến; bánh mứt kẹo; đường, sữa; hoa quả; thuốc phòng và chữa bệnh cho người; giá cước vận chuyển hành khách; phí tham quan, trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô...

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ