Loading


Chỉ thị 06/CT-VKSTC năm 2013 tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 06/CT-VKSTC
Ngày ban hành 06/12/2013
Ngày có hiệu lực 06/12/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-VKSTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, GẮN CÔNG TỐ VỚI HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

Trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, kết quả bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, hạn chế đáng kể các trường hợp oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, Kiểm sát viên chưa làm hết trách nhiệm, thiếu chủ động, chưa gắn công tố với hoạt động điều tra, có trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội, gây bức xúc dư luận.

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, kiên quyết không để xảy ra oan, sai.

Yêu cầu việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả, không hình thức.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra", Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về "Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm". Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2014 và những năm tiếp theo của ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Viện kiểm sát các cấp phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết đối với toàn bộ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người không phạm tội ngay từ đầu.Định kỳ, Viện kiểm sát các cấp phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp đánh giá tình hình tội phạm, kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để chủ động phát hiện, đấu tranh, phòng chống tội phạm; thường xuyên hoặc đột xuất kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Viện kiểm sát cấp dưới kịp thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên về những vụ, việc nghiêm trọng, phức tạp hoặc có khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết kịp thời. Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên chuyên trách theo dõi, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trực 24/24 giờ trong ngày để kiểm sát việc khám nghiệm, xét phê chuẩn việc bắt khẩn cấp.

3. Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi phát hiện tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; phát hiện và yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục những thiếu sót, vi phạm; đảm bảo việc xử lý vụ án có căn cứ, đúng pháp luật. Khi xem xét, phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, nếu đủ căn cứ thì phê chuẩn ngay tạo thuận lợi cho việc điều tra vụ án; nếu chưa đủ căn cứ thì yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ; nếu thấy không có căn cứ, trái pháp luật thì kiên quyết không phê chuẩn hoặc yêu cầu hủy bỏ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bắt, người bị khởi tố không nhận tội, tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn hoặc chưa rõ, thì trước khi xem xét, phê chuẩn, Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, hỏi cung bị can để xem xét, đề xuất phê chuẩn có căn cứ, chống lạm dụng việc bắt khẩn cấp hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Trong trường hợp hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác cần có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, không để bị can phạm tội mới, bỏ trốn hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng khác.

4. Viện kiểm sát các cấp chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra bảo đảm có căn cứ, sát với nội dung vụ án. Kiểm sát viên phải nắm chắc tiến độ điều tra, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu Điều tra viên cung cấp ngay những tài liệu, chứng cứ mới thu thập được để xử lý vụ án kịp thời; trường hợp có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được khởi tố phải kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm chống bỏ lọt tội phạm. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát, phải kiểm tra nguyên nhân và có biện pháp phối hợp giải quyết. Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực để thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với vụ án hình sự. Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải lập hồ sơ kiểm sát, trích cứu tài liệu, mở sổ nhật ký cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin, diễn biến quá trình điều tra, giải quyết vụ án.

5. Trước khi kết thúc điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được. Đối với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bị can không nhận tội, Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung tổng hợp làm rõ việc nhận tội hoặc không nhận tội của bị can để tiếp tục yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội, không để kết thúc điều tra vụ án mới đề xuất trả hồ sơ điều tra bổ sung.

6. Viện kiểm sát các cấp khi ban hành các quyết định xử lý vụ án hình sự phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; việc truy tố phải đúng người, đúng tội danh, đúng thời hạn luật định; việc ủy quyền công tố phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Viện kiểm sát có liên quan; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra để bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, khắc phục việc lạm dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định của pháp luật; thường xuyên đôn đốc việc bắt truy nã để phục hồi điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự. Định kỳ và bất thường, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kiểm tra các quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp dưới để kịp thời hủy bỏ các quyết định đình chỉ không có căn cứ và trái pháp luật, bảo đảm chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao, nếu để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm thì trước hết thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Viện kiểm sát các cấp bảo đảm sự tham gia của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ, có mặt trong giai đoạn điều tra vụ án; tôn trọng và xem xét đầy đủ, kịp thời ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

8. Viện kiểm sát các cấp chủ động, tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc yêu cầu kết thúc điều tra các vụ án hình sự trong thời hạn luật định, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; kịp thời phát hiện, chuyển khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp; tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Vụ 1 chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 7/9/2005 về “Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

2. Vụ 1A chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Viện kiểm sát các địa phương khẩn trương xây dựng “Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” và “Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi”.

3. Vụ 1B tham mưu với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành hướng dẫn phối hợp hoạt động giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thanh tra, Kiểm toán trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán và nghiên cứu, xây dựng Đề án về: "Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ" theo Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội.

4. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện các biện pháp đổi mới nhằm nâng cao năng lực phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án thuộc thẩm quyền, góp phần hỗ trợ đắc lực việc thực hiện chức năng công tố của Viện kiểm sát nhân dân.

5. Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - tài chính nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

6. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát chủ trì, phối hợp với các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương xây dựng, triển khai Chương trình đào tạo, tập huấn phương pháp, kỹ năng thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với từng nhóm tội phạm và kiến thức về công tác điều tra tội phạm.

7. Viện khoa học kiểm sát chủ trì, phối hợp với các đơn vị, Viện kiểm sát các địa phương và các cơ quan hữu quan tổng kết thực tiễn, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp.

8. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; Giao Vụ trưởng Vụ 1A, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Ủy ban Tư pháp Quốc hội (để báo cáo);
- Ban Nội chính Trung ương (để báo cáo);
- Lãnh đạo VKSNDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Lưu: VT, Vụ 1A.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hòa Bình

 

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ