Loading


Chỉ thị 07/2004/CT-BYT về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động nông nghiệp do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 07/2004/CT-BYT
Ngày ban hành 11/10/2004
Ngày có hiệu lực 11/10/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Chí Liêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2004/CT-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG, CHĂM SÓC SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP

Thực hiện Chỉ thị số 20/2004/CT-TTg ngày 08/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua ngành y tế đã tiến hành các hoạt động nâng cao sức khoẻ cho người lao động trong nông nghiệp thông qua tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động, tổ chức giám sát môi trường và chăm sóc sức khoẻ tại một số tỉnh nông nghiệp trọng điểm, ưu tiên cho đối tượng nữ lao động nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông nghiệp là một ngành có nhiều yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động do sử dụng máy móc công cụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo an toàn; sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát; các văn bản pháp qui về an toàn vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động trong nông nghiệp chưa được hướng dẫn áp dụng đầy đủ. Lao động nông nghiệp là ngành phi kết cấu, trong tổ chức không có cán bộ an toàn vệ sinh lao động, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế lao động khó khăn hơn nhiều so với ngành công nghiệp. Do đó, nguy cơ và tỉ lệ tai nạn lao động, tình trạng bệnh tật, nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật của người lao động nông nghiệp ngày càng cao, tình trạng vệ sinh môi trường nông thôn cũng đáng báo động.

Để tăng cường và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Vụ, Cục, các Viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Trung tâm Y tế các Bộ, Ngành liên quan, Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo, làm tốt các công việc sau:

1. Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS

a) Rà soát, xây dựng bổ sung và trình Lãnh đạo Bộ hoặc các cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động trong sản xuất nông nghiệp; bổ sung Tiêu chuẩn vệ sinh lao động và danh mục bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình hệ thống chăm sóc sức khoẻ lao động nông nghiệp phù hợp.

b) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy định Nhà nước về phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và chăm sóc sức khoẻ cho lao động nông nghiệp.

c) Xây dựng các hướng dẫn về giám sát môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động nông nghiệp.

d) Xây dựng kế hoạch hành động của ngành về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động nông nghiệp và hướng dẫn tổ chức thực hiện

2. Vụ Điều trị:

Hướng dẫn xây dựng và trình ban hành các tiêu chuẩn sức khoẻ cho người lao động nông nghiệp; hướng dẫn xử lý cấp cứu, điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động nông nghiệp bị tai nạn lao động, nhiễm độc hoá chất và bệnh nghề nghiệp.

3. Vụ Sức khoẻ sinh sản:

Hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở tiến hành các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản lồng ghép với công tác an toàn vệ sinh và chăm sóc sức khoẻ lao động nữ trong nông nghiệp.

4. Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường và các Viện khu vực.

a) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn vệ sinh lao động, tiêu chuẩn sức khoẻ theo nghề, công việc đối với lao động nông nghiệp. Xây dựng các tài liệu, chương trình chăm sóc sức khoẻ cho người lao động nông nghiệp.

b) Tổ chức bổ túc nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật giám sát môi trường lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động nông nghiệp cho cán bộ các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Sức khoẻ lao động và môi trường, Trung tâm y tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động, bổ sung bệnh nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích trong lao động nông nghiệp.

5. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp, lồng ghép với hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, ưu tiên chăm sóc sức khoẻ lao động nữ nông nghiệp.

b) Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm sức khoẻ lao động và môi trường, cơ sở y tế các tuyến, Hội đồng giám định y khoa, Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khoẻ trực thuộc và các cơ sở sản xuất nông nghiệp tại địa phương tăng cường giám sát điều kiện lao động; tổ chức khám sức khoẻ, cấp cứu, điều trị; tổ chức thông tin tuyên truyền, thực hiện tốt công tác phòng chống tai nạn lao động, nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

6. Các cơ quan tuyên truyền trong ngành y tế

a) Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ Bộ Y tế, Báo sức khoẻ và đời sống và Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến các kiến thức phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật và vệ sinh môi trường nông thôn.

b) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ cho lao động nông nghiệp lồng ghép với phong trào xây dựng làng văn hoá-sức khoẻ.

7. Trung tâm Y tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với y tế địa phương chỉ đạo các Trung tâm Y tế của các Tổng Công ty, Công ty và các cơ sở sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện công tác đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động nông nghiệp.

b) Đánh giá thực trạng sức khoẻ của công nhân làm việc trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong sản xuất nông nghiệp và phối hợp với các Viện đề xuất nghiên cứu các bệnh nghề nghiệp và nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.

Nhận được Chỉ thị này, đề nghị các Vụ, Cục, Sở Y tế, Thủ trưởng các Viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Y tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương, chủ động và phối hợp tốt với các Bộ, Ngành liên quan, lập kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ cho người lao động nông nghiệp.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ