Loading


Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2023 tăng cường thực hiện Đề án 02-ĐA/TU về công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh và hành trình phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 11/08/2023
Ngày có hiệu lực 11/08/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Bình Dương, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 02-ĐA/TU NGÀY 23/7/2021 CỦA TỈNH ỦY VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN THAM GIA XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA - VĂN MINH VÀ HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN CÂY XANH, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 07/7/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới;

Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/7/2021 về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ đã đề ra, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án của Tỉnh ủy đã mang lại nhiều kết quả khả quan, tích cực; ý thức xây dựng văn hóa, văn minh đô thị được nâng lên, hành động vì cộng đồng ngày càng nhiều và được lan tỏa trên nhiều lĩnh vực. Cảnh quan môi trường, đô thị, nông thôn ngày được khang trang, sạch đẹp hơn. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện Đề án gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị, địa phương và đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân, doanh nghiệp chưa cao, chưa tự giác, gây ô nhiễm môi trường; vẫn còn tình trạng xả thải và việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện tốt; quảng cáo rao vặt trái phép còn diễn ra; việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán còn tồn tại; nguồn kinh phí thực hiện Đề án tại các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức nguồn vốn từ xã hội hóa, vận động các tổ chức, người dân đóng góp,...

Để thực hiện hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đề ra trong Đề án số 02 của Tỉnh ủy; đồng thời triển khai hiệu quả công tác phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới nhằm giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể đối với việc triển khai Đề án gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động khác; đồng thời quán triệt sâu rộng về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực tham gia đảm bảo đồng bộ, thống nhất để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân và xây dựng địa phương văn minh, giàu đẹp.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối cơ quan nhà nước, các công ty, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Đề án, xây dựng, duy trì nếp sống, ý thức văn hóa - văn minh, mỹ quan đô thị, tham gia bảo vệ cảnh quan - môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, có ý thức trong sinh hoạt cộng đồng, bảo vệ các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng... trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức (chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin) và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

3. Các cấp, các ngành chức năng có liên quan tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn; chỉnh trang, sắp xếp lại các khu chợ truyền thống, xóa bỏ chợ tự phát. Tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng đô thị, an ninh trật tự, an toàn giao thông nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi thiếu văn hóa, vi phạm nếp sống văn hóa - văn minh; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành của người dân để đảm bảo thực hiện tốt các quy ước, quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả, kiểm tra đánh giá việc thực hiện các bản cam kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh và tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát các quỹ đất, ưu tiên bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, tái thiết đô thị, chỉnh trang các điểm dân cư nông thôn, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa đồng bộ, đảm bảo theo quy hoạch,... trong đó cần tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa Văn phòng khu phố, ấp; các công viên, hoa viên, tiểu cảnh tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân, nhất là tại các khu vực tập trung đông dân cư.

5. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, quy định về quản lý cây xanh đô thị, quản lý cây xanh nông - lâm nghiệp, các quy chuẩn - tiêu chuẩn có liên quan nhằm chú trọng nâng cao tỷ lệ đất cây xanh trong các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở, các dự án, công trình,...; trên cơ sở căn cứ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất và tùy theo tình hình, điều kiện thực tế của từng ngành, từng địa phương để xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển cây xanh, phát triển rừng phù hợp nhằm góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường sinh thái, giữ cho không khí trong lành, nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan thiên nhiên khu vực; qua đó tạo thương hiệu phát triển xanh, bền vững của Tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đi đôi với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

6. Giao Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bố trí kinh phí thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy và đề án/kế hoạch phát triển cây xanh của tỉnh được cấp thẩm quyền ban hành trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp ngân sách hiện hành, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

7. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, các chỉ tiêu của Đề án và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương: chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nêu trên đảm bảo thiết thực, phù hợp; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng kịp thời để động viên các điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả trong thực hiện. Đề án, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đối với việc thực hiện Đề án 02 và Sở Xây dựng đối với việc thực hiện phát triển cây xanh của tỉnh) trước ngày 31/12 hàng năm.

Trên đây là Chỉ thị tăng cường thực hiện Đề án 02 và hành trình phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương; yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- TT.TU,TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh (60);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Trường ĐH, CĐ, TC trên địa bàn tỉnh;
- LĐVP, CV, TH, HC;
- Lưu: VT, Tùng (VX).

CHỦ TỊCH




Võ Văn Minh

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ