Loading


Chỉ thị 22/2005/CT-BGD&ĐT nhiệm vụ của toàn ngành trong năm học 2005-2006 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 22/2005/CT-BGD&ĐT
Ngày ban hành 29/07/2005
Ngày có hiệu lực 23/08/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2005/CT-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CỦA TOÀN NGÀNH TRONG NĂM HỌC 2005 - 2006

Trong năm học 2004-2005, thực hiện Chỉ thị số 25/2004/CT-BGD&ĐT ngày 02/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành đã phấn đấu và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ năm học, đặc biệt là về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường, thực hiện có kết quả chương trình kiên cố hoá trường, lớp học mầm non, phổ thông, từng bước ổn định công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Cũng trong năm học này, ngành giáo dục đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm do Đảng và Nhà nước giao cho: sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận Hội nghị TW6 về giáo dục - đào tạo; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục; hoàn chỉnh dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội XI.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, nền giáo dục nước ta vẫn còn một số yếu kém, bất cập, cụ thể là: phát triển chưa cân đối giữa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục phổ thông; quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục; công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, nhất là đối với giáo dục không chính quy và giáo dục ngoài công lập; chậm khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, cấp phát văn bằng...; nhiều giáo viên, nhà trường chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy và học; các điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục còn nhiều bất cập; giáo dục vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các nghị quyết và chỉ thị của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và các chương trình hành động của Chính phủ, quán triệt sâu sắc tinh thần và nội dung Luật Giáo dục (sửa đổi) và Nghị quyết số 37/2004/QH11 của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XI về giáo dục; tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội, các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2005 và giai đoạn 2 của chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010; tạo bước chuyển biến cơ bản về quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục; thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước; phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm học 2004-2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành giáo dục trong năm học 2005-2006 tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện tốt yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và hướng nghiệp; phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục.

Năm học 2005-2006 là năm thứ tư ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, toàn ngành cần tổ chức tốt việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 4, lớp 9 phổ thông, bổ túc tiểu học và lớp 7, lớp 8 bổ túc trung học cơ sở; tiếp tục tiến hành thí điểm chương trình, sách giáo khoa lớp 5 bậc tiểu học, chương trình và sách giáo khoa trung học phổ thông phân ban theo hướng đảm bảo thống nhất nội dung của chương trình chuẩn, có sự phân hoá nhằm thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh.

Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng biên soạn, thẩm định, chỉnh lý, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; chuẩn bị thật tốt các điều kiện về bồi dưỡng giáo viên, mua sắm thiết bị dạy học, đáp ứng kịp thời và có chất lượng yêu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Khẩn trương rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; tích cực thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục mầm non, đặc biệt là chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi trước khi vào học lớp 1.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của nhà trường, nhất là ứng dụng trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục; đẩy mạnh chương trình dạy ngoại ngữ và tin học trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tăng cường các hoạt động chỉ đạo điểm nhằm rút kinh nghiệm việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở các cấp học, bậc học nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và đối với chương trình thí điểm phân ban ở trung học phổ thông.

Đổi mới, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục thường xuyên theo Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập”.

Thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo và công tác biên soạn giáo trình, tài liệu trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nhân lực trình độ cao về khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh giáo dục toàn diện: Nâng cao chất lượng và hiệu quả về giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục pháp luật, giáo dục quốc phòng. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, thực hiện phân luồng trong đào tạo, phù hợp với yêu cầu nhân lực của từng địa phương. Tăng cường giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật và y tế học đường, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên, đặc biệt chú trọng thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh nghiên cứu - tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc rèn luyện lối sống lành mạnh, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm và ma tuý, phòng chống HIV/AIDS và giáo dục về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cho học sinh, sinh viên.

Tiến hành tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh theo định kỳ để hưởng ứng năm quốc tế thể thao và giáo dục thể chất, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Phát động phong trào rèn luyện thể chất và thể thao trong học sinh, sinh viên nhằm hưởng ứng Đại hội thể dục thể thao sinh viên Đông Nam á lần thứ 13 tại Hà Nội trong năm 2006.

2. Hoàn thiện, củng cố mạng lưới trường học, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng; đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện công bằng xã hội nhằm đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển quy mô của các cấp học đến năm 2005 trong chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010.

Tiếp tục phát triển, củng cố mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng khắc phục các bất hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền, gắn đào tạo với sử dụng. Triển khai thí điểm mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật, tổng kết thí điểm phân ban ở trung học phổ thông; củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi và các trường dự bị, các khoa dự bị đại học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện nghiêm túc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, hoàn thiện hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành và giáo dục hướng nghiệp theo hướng củng cố và phát triển các trường trung học chuyên nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp), các trường cao đẳng cộng đồng, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng ở các địa phương nhằm thoả mãn nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện việc phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp; đảm bảo mức tăng quy mô 10% đối với đào tạo đại học, cao đẳng.

Phát triển giáo dục mầm non ở nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường, phấn đấu xoá xong xã trắng về giáo dục mầm non trong năm 2006; củng cố kết quả xoá mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, thực hiện phổ cập trình độ trung học (phổ thông hoặc chuyên nghiệp) phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng địa phương. Phát triển giáo dục không chính quy nhằm đáp ứng nhu cầu học tập liên tục, suốt đời của nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu cử tuyển, dự bị đại học và các chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, con em gia đình thuộc diện được hưởng chính sách xã hội và con em gia đình nghèo.

3. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng cả ba mặt: đánh giá và sắp xếp, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ.

Các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương (sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục - đào tạo) tham mưu để cấp uỷ Đảng tăng cường lãnh đạo và Hội đồng nhân dân có chương trình về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương mình. Trước hết cần tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để sắp xếp, sử dụng hợp lý; từng bước đảm bảo đủ loại hình, đủ định mức, đúng chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở phổ thông; đồng thời khẩn trương tham mưu với Uỷ ban nhân dân ban hành quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng sử dụng và tuyển dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương nhằm mục tiêu đến năm 2010 có 100% giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS đạt chuẩn và trên chuẩn, có 10% giáo viên THPT đạt trình độ sau đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ ở các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.

Các trường sư phạm, khoa sư phạm và trường cán bộ quản lý giáo dục cần xây dựng chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp đào tạo, bám sát thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo giáo viên phổ thông nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục công dân, âm nhạc, kỹ thuật, thể dục, công nghệ và giáo dục quốc phòng.

Các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp) chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên, nhanh chóng khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ; nâng dần tỷ lệ giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư ở các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng; đạt trình độ đại học ở các cơ sở giáo dục trung học chuyên nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp).

4. Tiếp tục công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Các địa phương khẩn trương triển khai nguồn vốn công trái giáo dục, hoàn thành có chất lượng các mục tiêu của chương trình kiên cố hoá trường, lớp học; tăng cường công tác kiểm tra, giám định, nghiệm thu, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng và chống thất thoát, lãng phí.

Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các nhà trường cần sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí, đặc biệt là nguồn kinh phí được cấp bổ sung từ ngân sách nhà nước, phần trích 6 - 10% kinh phí chi thường xuyên để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, sách thư viện trường học; bảo đảm kịp thời, đầy đủ, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở lớp 4, lớp 9. Làm tốt công tác xây dựng phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, khuyến khích giáo viên và học sinh tự làm đồ dùng dạy học, thực hiện kết nối mạng cho các trường trung học cơ sở ở những nơi có điều kiện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, đặc biệt coi trọng việc tham mưu để chính quyền địa phương dành quỹ đất cho xây dựng trường học.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ