Loading


Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 05/2005/NQ-CP
Ngày ban hành 18/04/2005
Ngày có hiệu lực 07/05/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2005/NQ-CP

Hà Nội ,ngày 18 tháng 4 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 05/2005/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ VÀ THỂ DỤC THỂ THAO

Thực hiện chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực hoạt động xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết 90) và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao (dưới đây gọi tắt là Nghị định 73).

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2004, Chính phủ đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 90 và Nghị định 73 và quyết định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá trong các lĩnh vực nói trên để thống nhất hơn nữa về nhận thức và chủ trương, có cơ chế, chính sách cụ thể, có giải pháp và bước đi thích hợp đến năm 2010.

I.NH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ VÀ THỂ DỤC THỂ THAO

Qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 90 và 5 năm thực hiện Nghị định 73, công tác xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao đã thu được những kết quả quan trọng: tiềm năng và nguồn lực to lớn của xã hội bước đầu được phát huy; khu vực ngoài công lập phát triển với những loại hình và các phương thức hoạt động mới, đa dạng, phong phú; khu vực công lập đã có nhiều đổi mới trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xã hội hoá đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hoá còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết 90; mức độ phát triển xã hội hoá không đồng đều giữa các vùng miền và cả giữa các tỉnh, thành phố, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau.

Công tác quản lý còn bất cập cả trong định hướng phát triển, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện. Việc triển khai thực hiện còn chậm và nhiều lúng túng. Quản lý nhà nước vừa gò bó, vừa buông lỏng; cơ chế chính sách chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng xã hội chưa được tổ chức và phối hợp tốt để chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xã hội hoá.

Khi thu nhập xã hội tăng lên, nhiều gia đình đã tự túc về các nhu cầu giáo dục, y tế... (như du học tự túc, khám chữa bệnh ở các cơ sở tư nhân) thì Nhà nước vẫn sử dụng chính sách bao cấp qua chế độ phí thấp cho tất cả mọi người, đặt Nhà nước luôn ở trong tình trạng hạn hẹp về ngân sách, không đủ điều kiện để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn, đồng thời cũng không tập trung được cho những mục tiêu ưu tiên.

Trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, các cơ sở công lập chiếm tỷ trọng lớn vẫn áp dụng cơ chế quản lý như các cơ quan hành chính nên đã không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm. Các cơ sở ngoài công lập chưa nhiều, cơ sở vật chất còn đơn sơ, nghèo nàn, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu. Chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, còn có những biểu hiện tiêu cực, thậm chí có những cơ sở đã vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân của những hạn chế trước hết là do nhận thức còn chưa đầy đủ, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp. Tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề.

Trong chính sách xã hội hoá, chưa quy định rành mạch về sở hữu của các cơ sở ngoài công lập (bán công, dân lập); chưa phân định rõ sự khác biệt giữa các hoạt động có bản chất lợi nhuận và phi lợi nhuận trong các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, giữa phúc lợi cho người dân và việc bao cấp cho các cơ sở công lập.

Thực tế đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để vừa bảo đảm định hướng phát triển, vừa khuyến khích, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.

II. QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

1. Thực hiện xã hội hoá nhằm hai mục tiêu lớn: thứ nhất là phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; thứ hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao ở mức độ ngày càng cao.

2. Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách; tăng nguồn lực đầu tư, đồng thời đổi mới mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao; hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo trên cơ sở đổi mới chế độ miễn, giảm phí theo hướng công khai, hợp lý và cấp trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng.

3. Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi...; thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng.

Đổi mới chế độ thu phí đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo. Mức phí quy định theo nguyên tắc đủ trang trải các chi phí cần thiết, có tích luỹ để đầu tư phát triển và xoá bỏ mọi khoản thu khác. Người thụ hưởng có quyền lựa chọn cơ sở cung ứng dịch vụ phù hợp với từng lĩnh vực.

4. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật Dân sự. Tiến tới không duy trì loại hình bán công.

Mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Theo cơ chế lợi nhuận thì lợi nhuận có thể được chia cho các cá nhân và phải chịu thuế. Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận.

Tiến hành chuyển một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang loại hình ngoài công lập để tập thể hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả vốn cho Nhà nước.

Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư được bảo đảm lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần.

5. Nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát các hoạt động dịch vụ.

Nhà nước tạo môi trường phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo luật pháp để thúc đẩy các cơ sở công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng các cơ sở đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ TRONG CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ VÀ THỂ DỤC THỂ THAO

1. Giáo dục - đào tạo

a) Nhà nước tiếp tục tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo. Bảo đảm kinh phí cho giáo dục phổ cập; tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm, khó huy động nguồn lực từ xã hội; ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Nhà nước có cơ chế, chính sách đào tạo đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các nhân viên khác, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên giỏi làm giáo viên, giảng viên, gắn đào tạo với sử dụng.

[...]
3