Loading


Chỉ thị 22/CT-BYT năm 2020 về chấn chỉnh công tác liên doanh, liên kết trong cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 22/CT-BYT
Ngày ban hành 01/10/2020
Ngày có hiệu lực 01/10/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/CT-BYT

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC LIÊN DOANH, LIÊN KẾT TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa các dịch vụ công nói chung và dịch vụ công trong lĩnh vực y tế nói riêng tại các kết luận, thông báo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, các quy định về liên doanh, liên kết tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (trước đây là Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước), các Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ/Ngành; Trong thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hóa theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Việc liên doanh, liên kết trang thiết bị đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; làm thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc đầu tư trang thiết bị, không chỉ trông chờ ngân sách để có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại đơn vị, người dân được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn, hạn chế việc chuyển tuyến trên và đi nước ngoài khám, chữa bệnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật và dư luận đã nêu ra trong thời gian vừa qua như: Một số đơn vị chưa làm đúng quy định, quy trình trong việc xây dựng và thực hiện các đề án liên doanh, liên kết; chưa thực hiện công khai, dân chủ; chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi quản lý; đặc biệt việc xác định giá trị tài sản đưa vào liên doanh, liên kết chưa đủ cơ sở; chưa xây dựng cơ cấu giá dịch vụ theo quy định, chưa công khai để người dân biết, lựa chọn.... Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành một số Chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường quản lý và chấn chỉnh việc thực hiện chủ trương này.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Để tăng cường công tác quản lý, phát huy các mặt tích cực, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại và xử lý nghiêm các sai phạm trong việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế (nếu có); Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác xã hội hóa, việc liên doanh, liên kết để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót, vi phạm mà các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện chỉ ra và phải xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), trong đó tập trung vào một số nội dung sau đây:

1. Rà soát các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện tại đơn vị theo các quy định nêu trên, kể cả các đề án đã triển khai trước thời điểm Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực, trong đó cần lưu ý các nội dung:

a) Rà soát các trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết. Trường hợp phát hiện trang thiết bị y tế không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ phải dừng ngay hợp đồng với phía đối tác, báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất giải pháp giải quyết. Phải thực hiện rà soát lại giá của các trang thiết bị y tế đã đưa vào liên doanh, liên kết, trường hợp phát hiện giá không phù hợp phải xem xét điều chỉnh ngay hợp đồng, phương án tài chính của đề án và mức giá của dịch vụ.

b) Rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký phải kịp thời điều chỉnh lại thời gian, rà soát tỷ lệ phân chia hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

c) Trường hợp các tài sản đã kết thúc thời hạn liên doanh, liên kết theo đề án và hợp đồng đã ký kết phải thực hiện xử lý tài sản theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công.

d) Trường hợp phát hiện có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công trong quá trình xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, trong đó cần lưu ý các nội dung sau đây:

a) Phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về các trường hợp được thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết để đề xuất chủ trương và xây dựng nội dung đề án;

b) Phải thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất bằng văn bản giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc và tổ chức công đoàn của đơn vị về chủ trương tổ chức và nội dung của các đề án liên doanh, liên kết;

c) Phải công khai, minh bạch, khách quan việc lựa chọn đối tác và nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017;

d) Các đơn vị phải theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và phản ánh vào báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thực hiện việc quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi từ nguồn thu từ các Đề án xã hội hóa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng quy định.

e) Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xã hội hóa trong y tế để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nếu có sai phạm.

g) Nghiêm cấm các hành vi để ngoài sổ kế toán, báo cáo tài chính các khoản thu, chi từ nguồn xã hội hóa, gian lận trốn thuế, thông đồng với nhà đầu tư để nâng khống giá, thu các khoản thu ngoài giá thu đã công khai ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.

3. Tuân thủ quy định của pháp luật về giá, trong đó cần lưu ý các nội dung:

a) Về mức thu: Trước mắt, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng và quyết định mức giá theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu tại đơn vị, trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị để người bệnh biết, lựa chọn;

c) Phải giải thích rõ cho người bệnh hiểu và đồng ý chi trả phần chi phí chênh lệch giữa mức giá dịch vụ kỹ thuật được Cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu đã được phê duyệt. Trường hợp máy móc, thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách bị hỏng hoặc chưa được đầu tư mua sắm và người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế không đồng ý sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ máy xã hội hóa thì cơ sở y tế phải chuyển người bệnh tới cơ sở y tế khác theo quy định về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc chuyển người bệnh tới cơ sở y tế khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành, Thủ trưởng các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức và thực hiện tốt các nội dung trên, kịp thời phản ánh bằng văn bản những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Bộ Y tế xem xét, hướng dẫn cụ thể./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Bộ Tài chính; Bộ KH-ĐT; Bộ Công an;
- KTNN; TTCP;
- BHXH Việt Nam;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ (để phối hợp chỉ đạo);
- U
BND các tỉnh,thành phố (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Y tế các Bộ/Ngành;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VPB, TTr;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KH-TC.

Q. BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

4