Loading


Chỉ thị 26/CT-TTg về Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 26/CT-TTg
Ngày ban hành 08/08/2024
Ngày có hiệu lực 08/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2024

Trong những tháng đầu năm 2024, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ- CP (6,0%). Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 34,68% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ giải ngân thấp gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương 11 bộ, cơ quan trung ương[1] và 38 địa phương[2] đã nỗ lực phấn đấu, đạt được kết quả giải ngân kế hoạch 7 tháng đầu năm 2024 trên mức trung bình của cả nước; đồng thời nghiêm khắc phê bình 33 bộ, cơ quan trung ương[3] và 25 địa phương[4] có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 7 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước (34,68%).

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế; quản lý đầu tư xây dựng còn bất cập; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế; chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành... tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ.

Nhằm nâng cao năng lực hấp thụ vốn vào nền kinh tế, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó tập trung thực hiện tốt các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

1. Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

2. Thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, cụ thể:

- 5 quyết tâm: (1) Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công; (2) Quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; (3) Quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và các phát sinh trên thực tế làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; (4) Quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; (5) Quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

- 5 đảm bảo: (1) Đảm bảo đủ nguyên vật liệu, nhất là cát, sỏi, đá, đất đắp nền... để phục vụ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển; (2) Đảm bảo số lượng nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công; (3) Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân, trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; (4) Đảm bảo quản lý đầu tư công đúng quy định, không kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây thất thoát vốn, giảm hiệu quả đầu tư; (5) Đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo mục tiêu, quy hoạch đề ra và đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong triển khai thực hiện các dự án.

3. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát, đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt vốn đầu tư toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU

Năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

a) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án

- Phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xử lý hồ sơ liên quan đến công tác thẩm định dự án, tham mưu xử lý đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp hiệu quả với các sở, ngành, địa phương, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án để xử lý nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến triển khai, giải ngân dự án đầu tư công.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vay vốn ODA; quản lý, sử dụng vốn vay ODA; đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối thông tin, báo cáo giải trình, giám sát sự tuân thủ quy định, quy trình, tiến độ, hiệu quả, mục tiêu của dự án (tránh bị động trong triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, giảm thiểu các quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, phát sinh chi phí, gây thiệt hại về vốn và giảm hiệu quả dự án).

- Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư[5], đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024.

b) Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân.

- Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

c) Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ; chỉ đạo Chủ đầu tư, ban quản lý dự án: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan cho chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng; tính toán đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước, tránh xảy ra vướng mắc và phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện.

- Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, trọng điểm, đường liên vùng, đường ven biển.

- Đề nghị các tổ chức chính trị xã hội tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.

[...]
2