Loading


Chỉ thị 30/2014/CT-UBND về giải pháp chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả của công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 30/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 25/12/2014
Ngày có hiệu lực 04/01/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2014/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ GIẢI PHÁP CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Chỉ thị số 32/2011/CT-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường các biện pháp thực hiện công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố đã đi vào nề nếp, có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính và tăng cường quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần chấn chỉnh như: lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm soát thủ tục hành chính dẫn đến việc triển khai tại đơn vị chưa đồng bộ, chưa thật sự hiệu quả; công tác công bố, cập nhật thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm ảnh hưởng đến việc niêm yết công khai và tổ chức thực hiện; trong quá trình giải quyết thành phần hồ sơ còn có thêm một số giấy tờ ngoài nội dung công khai, quy định; tình trạng trả hồ sơ bổ sung khi gần đến ngày hẹn trả kết quả; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn vẫn còn cao ở một số lĩnh vực.

Ngày 14 tháng 5 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; ngày 05 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07 tháng 02 năm 2014 hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014 hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.

Để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính, chấn chỉnh, khắc phục các vấn đề còn tồn tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt quy định pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân Thành phố về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó chú trọng đến cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính tại đơn vị.

Xác định kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục trong chỉ đạo điều hành của cơ quan, đơn vị để công tác này được triển khai đồng bộ, thống nhất và thực sự hiệu quả.

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị. Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ các nội dung (các nhiệm vụ trọng tâm, công tác kiểm tra, công tác tập huấn nghiệp vụ, công tác truyền thông), phân công trách nhiệm rõ ràng, xác định cụ thể thời gian thực hiện và dự kiến sản phẩm. Kế hoạch phải được ban hành chậm nhất trước ngày 30 tháng 01 hàng năm. Kết quả thực hiện kế hoạch phải được báo cáo kịp thời, đầy đủ cho Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Tư pháp).

c) Niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo Quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại trụ sở cơ quan nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu đơn vị có trang thông tin điện tử).

Đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu thủ tục hành chính và giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức nhà nước. Thường xuyên rà soát, cập nhật công khai các thủ tục hành chính được công bố mới, công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ; không niêm yết thủ tục hành chính đã hết hiệu lực thi hành.

Cách thức niêm yết công khai thủ tục hành chính thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Tư pháp. Khuyến khích các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong niêm yết công khai thủ tục hành chính.

d) Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo đúng nội dung thủ tục hành chính đã được công bố, công khai và các quy định pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm cơ quan thực hiện thủ tục hành chính tự đặt ra thủ tục, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, công chức yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp thêm giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ đã công khai; đảm bảo chỉ nhận đúng, nhận đủ thành phần, số lượng hồ sơ. Khi tiếp nhận hồ sơ phải cấp biên nhận cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ, biên nhận phải ghi rõ thời gian tiếp nhận và thời gian hẹn trả kết quả, có đầy đủ chữ ký, họ tên của người nộp, người nhận hồ sơ. Việc bổ sung hồ sơ (nếu có) phải thực hiện trong thời hạn quy định và bằng văn bản, chấm dứt tình trạng gần đến thời hạn trả kết quả mới yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung hồ sơ. Những hồ sơ trả lại không giải quyết; trả lại hồ sơ để bổ sung hoặc yêu cầu bổ sung nhiều lần phải được sự đồng ý của Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chủ động khắc phục hoặc đề xuất giải pháp khắc phục các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn cho cá nhân, tổ chức. Các trường hợp hồ sơ trễ hẹn, đơn vị nghiêm túc thực hiện Thư xin lỗi, nội dung Thư xin lỗi phải thông tin cho cá nhân, tổ chức về lý do trễ hẹn và ngày hẹn trả kết quả giải quyết; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm (kiểm điểm, luân chuyển công tác) đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.

đ) Chỉ đạo việc quán triệt thực hiện quy định: khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.

e) Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và đảm bảo quyền giám sát của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính:

- Niêm yết công khai đầy đủ, chính xác địa chỉ cơ quan, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại chuyên dùng của Sở Tư pháp (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) là đầu mối tiếp nhận xử lý, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố;

- Tiếp nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức, trong đó phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nội dung phản ánh; đảm bảo yêu cầu và thời hạn quy định tại Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố;

- Thực hiện công khai kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của Thành phố, Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu đơn vị có trang thông tin điện tử);

- Thường xuyên kiểm tra việc trả lời, giải quyết đối với những trường hợp các cơ quan Nhà nước hỏi ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác giải quyết hồ sơ. Những trường hợp chậm trả lời, không trả lời các ý kiến của các đơn vị, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố.

g) Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ tại chính cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức (hàng năm đảm bảo trên 30% phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc có thực hiện thủ tục hành chính được kiểm tra); đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, gây phiền hà; kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi của cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng kiểm tra các trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, trả lại hồ sơ cho cá nhân, tổ chức để bổ túc hồ sơ khi đã gần đến ngày hẹn trả kết quả.

Kết quả kiểm tra phải được thông báo đến đơn vị được kiểm tra biết, trong đó xác định rõ những vấn đề có sai sót cần chấn chỉnh. Tổ chức, cá nhân được kiểm tra phải kịp thời có biện pháp khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện các biện pháp khắc phục cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra (thời hạn báo cáo tình hình thực hiện khắc phục do cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra quyết định và ghi rõ trong văn bản thông báo kết quả kiểm tra).

Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hành dân mà không kịp thời phát hiện và xử lý.

h) Chủ động, thường xuyên rà soát các quy định hành chính, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của đơn vị để đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Tư pháp) phương án cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính.

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố, địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã không ban hành văn bản quy định về thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.

i) Kiện toàn, phát huy vai trò và sự tham gia của cán bộ, công chức làm đầu mối trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ của cán bộ, công chức đầu mối và trách nhiệm của các phòng ban chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện việc hỗ trợ tài chính đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, công chức làm đầu mối theo quy định.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ