Loading


Chỉ thị 3110/CT-BNN-KH năm 2020 về xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3110/CT-BNN-KH
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3110/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2021 - 2025

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là các đơn vị) triển khai xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025), đồng thời tiến hành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025 để phê duyệt, triển khai thực hiện ngay khi Kế hoạch 5 năm được cấp có thẩm quyền thông qua. Các nội dung chủ yếu như sau:

A. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2021-2025

I. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2021-2025

Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực tác động, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025 gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 - 2020

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành các năm 2016 - 2019 và dự kiến năm 2020, các đơn vị đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 - 2020 trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác kết quả đạt được, phân tích rõ những thành tựu và đóng góp vào phát triển ngành, cũng như làm rõ yếu kém, hạn chế, nguyên nhân (về thể chế, tổ chức thực thi...) và bài học kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện thiết thực hơn cho giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh (trong đó có dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19) tới kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành. Cụ thể:

a) Tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch phát triển ngành 2016 - 2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển tiểu ngành, lĩnh vực giai đoạn 2016 - 2020.

b) Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách lớn về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung đánh giá kết quả xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 và các đề án/kế hoạch tái cơ cấu các tiểu ngành, lĩnh vực, các kế hoạch chuyên đề. Trong đó, cần phân tích chất lượng cơ cấu lại của từng tiểu ngành, lĩnh vực và tác động tới tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp; từng lĩnh vực, đánh giá kết quả phát triển nông, lâm, thủy sản theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, chủ lục địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực ở thị trường trong nước và quốc tế.

c) Tình hình và kết quả sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường; phân tích hiệu quả, chất lượng tăng tưởng của từng ngành, lĩnh vực và đóng góp vào chất lượng tăng trưởng chung của toàn ngành.

d) Tình hình thực hiện 3 đột phá chiến lược về: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (ii) Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra; đặc biệt phân tích sâu các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện.

đ) Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư: ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển; vốn từ khu vực tư nhân, dân cư; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.

e) Đánh giá hoạt động khoa học - công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

g) Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (trong đó, đánh giá sâu về tình hình và tác động tới tăng trưởng ngành do hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn), triển khai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

h) Tình hình và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, các nhiệm vụ về phát triển nông thôn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

i) Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; các kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

k) Đánh giá hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chất lượng cán bộ, sắp xếp tinh giản bộ máy; thực hiện cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

l) Đánh giá công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện với các đơn vị thuộc Bộ và với các Bộ, ngành, địa phương trong từng ngành, lĩnh vực.

2. Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2021 - 2025

2.1. Bối cảnh xây dựng Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển của từng ngành, lĩnh vực.

2.2. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

b) Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu đến năm 2025: (i) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8 - 3,2%/năm; (ii) Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80% (trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; (iii) Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần năm 2020; (iv) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; (v) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

2.2. Định hướng phát triển

Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

[...]
1