Loading


Chỉ thị 36/2006/CT-TTg thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 36/2006/CT-TTg
Ngày ban hành 15/11/2006
Ngày có hiệu lực 13/12/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2006/CT-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010 

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ và phù hợp cho sắp xếp, cổ phần hoá, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng thời kỳ và chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách kiên quyết; đạt kết quả rất tích cực. Doanh nghiệp nhà nước đã được cơ cấu lại một bước quan trọng, giảm mạnh doanh nghiệp quy mô nhỏ, thua lỗ, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ công ích; những doanh nghiệp quy mô lớn trước mắt Nhà nước cần nắm giữ đã được kiện toàn về tổ chức quản lý và sản xuất, kinh doanh, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh; quản trị doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước được đổi mới một bước, phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối còn nhiều, tỷ lệ vốn nhà nước trong các công ty cổ phần còn lớn, quy mô doanh nghiệp nhà nước chưa lớn, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước nói chung, tổng công ty nhà nước nói riêng chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số quy định về sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, vướng mắc trong quá trình thực hiện còn chậm được tháo gỡ.

Để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện vững chắc và có hiệu quả nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Chương trình hành động của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và phù hợp với quy định của các luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp mới được Quốc hội ban hành. Phân công cụ thể như sau:

a) Bộ Tư pháp:

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về sắp xếp, cổ phần hoá, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tinh thần nêu trên.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Trước ngày 31 tháng 12 năm 2006:

+ Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2004/NĐ-CP về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo hướng công ty mẹ là công ty đa sở hữu; có vai trò thúc đẩy, phát huy được sức mạnh của cả tổ hợp, đồng thời bảo đảm tính tự chủ của các doanh nghiệp thành viên là những pháp nhân độc lập;

+ Kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 về cơ chế phân phối lợi nhuận;

+ Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước theo hướng hạn chế tối đa những ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ 100% vốn và giữ cổ phần chi phối.  

- Trước ngày 31 tháng 3 năm 2007:

+ Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước theo hướng xoá bỏ cơ chế khoán kinh doanh và cho thuê công ty nhà nước; thực hiện việc bán công ty nhà nước theo hình thức đấu giá; không thực hiện việc giao, bán công ty nhà nước đối với những công ty có lợi thế về đất đai;

+ Sửa đổi trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp nhà nước theo hướng đơn giản thủ tục hành chính và nâng cao tính nghiêm minh trong quá trình triển khai quyết định của các cơ quan liên quan; quy định thời điểm hợp lý để giải quyết chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể.

c) Bộ Tài chính trủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Trước ngày 30 tháng 11 năm 2006, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó lưu ý mở rộng diện cổ phần hoá, kể cả một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp hoạt động công ích; việc xác định giá trị doanh nghiệp phải theo nguyên tắc thị trường, việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp là thí điểm; hướng dẫn tính giá trị thương hiệu doanh nghiệp; về ưu đãi đối với doanh nghiệp; có quy định để gắn việc cổ phần hoá công ty nhà nước với niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Trước ngày 31 tháng 01 năm 2007, trình Chính phủ:

+ Dự thảo Nghị định về cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước.

- Trong quý I năm 2007, trình Chính phủ:

+ Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; hướng dẫn việc cử người quản lý phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác và cơ chế nâng cao trách nhiệm của người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu, thực hiện quyền của cổ đông, người góp vốn thông qua đại diện, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; quy định về mối quan hệ giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước với các Bộ, ngành trong việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển giao cho Tổng công ty này;

+ Cơ chế giám sát và chính sách điều tiết đối với những doanh nghiệp chưa xoá bỏ được vị thế độc quyền kinh doanh;

+ Quy định về việc giám sát đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trước ngày 31 tháng 12 năm 2006:

- Trình Chính phủ:

+ Nghị định về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu mới, theo hướng sử dụng được tối đa số lao động hiện có để thực hiện từ năm 2007;

+ Nghị định về cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là Nhà nước.

[...]
1