Loading


Chỉ thị 53/2007/CT-BNN tăng cường thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 53/2007/CT-BNN
Ngày ban hành 06/06/2007
Ngày có hiệu lực 17/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 53/2007/CT-BNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32/CT-TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA IX) VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, NHÂN DÂN

Ngày 08/9/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 32/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. (sau đây gọi là Chỉ thị 32)

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những kết quả bước đầu. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cũng như của đảng viên và cán bộ, công nhân, viên chức được nâng lên một bước. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng và tổ chức chỉ đạo triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã thiết thực hơn, những văn bản pháp luật quan trọng và trực tiếp liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ và nhiệm vụ của đơn vị đã được phổ biến kịp thời; hình thức phổ biến cũng đa dạng và phong phú phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ trong những năm qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt; công tác quản lý nhà nước có hiệu lực tốt hơn; tình hình vi phạm pháp luật và khiếu nại, tố cáo đã giảm hẳn so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa thật nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 32: nhận thức của một số đơn vị chưa toàn diện và đầy đủ, công tác chỉ đạo thực hiện còn lúng túng. Một số đơn vị chưa xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và dài hạn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng tại Quyết định số 18/2004/QĐ-BNN ngày 08/7/2004 về việc ban hành “Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2004 – 2007”, chưa chỉ đạo cụ thể và tổ chức kiểm tra thường xuyên. Từ những tồn tại trên dẫn đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa thiết thực, còn nặng về hình thức, một số ít cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, còn làm trái chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước gây hậu quả xấu.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32/CT-TW và kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong thời gian tới, Bộ chỉ thị các đơn vị:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và công chức, công nhân viên trong đơn vị theo đúng tinh thần Chỉ thị 32/CT-TW, gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, các nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX); Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

2. Nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL của Bộ, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị.

3. Đổi mới hơn nữa nội dung và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu. Những văn bản pháp luật quan trọng và những văn bản có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, của đơn vị và tất cả các văn bản QPPL của Bộ ban hành cần được nghiên cứu kỹ và áp dụng đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền để có hiệu quả tốt nhất và phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Những đơn vị chưa tổ chức học tập 2 luật: Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải tổ chức học tập quán triệt ở đơn vị trong thời gian sớm nhất, đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện 2 luật một cách thiết thực.

4. Bảo đảm nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác cho công tác PBGDPL, thực hiện tốt chính sách hiện hành đối với đội ngũ Báo cáo viên và Tuyên truyền viên pháp luật của Bộ và các đơn vị.

5. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp ở địa phương và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn.

6. Cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị cần tăng cường tự kiểm tra và tổ chức công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để công tác này được tiến hành thường xuyên, thống nhất và đầy đủ.

Bộ giao Vụ Pháp chế là đầu mối giúp Bộ đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ và tình hình triển khai của các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện những nội dung trên đây, đồng thời định kỳ 6 tháng/lần thực hiện chế độ báo cáo Bộ (qua Vụ Pháp chế) kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ