Loading


Chương trình 02/CTrPH-BNN-THVN năm 2023 về hợp tác truyền thông giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 02/CTrPH-BNN-THVN
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Đài truyền hình Việt Nam
Người ký Lê Minh Hoan,Lê Ngọc Quang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -
ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CTrPH-BNN-THVN

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỢP TÁC TRUYỀN THÔNG GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ Luật Báo chí năm 2016;

Căn cứ Nghị định 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định 60/2022/NĐ-CP ngày 08/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Trên cơ sở nhu cầu phối hợp công tác giữa hai cơ quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam thống nhất Chương trình Hợp tác truyền thông giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, toàn diện, hiệu quả giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ NN&PTNT) và Đài Truyền hình Việt Nam (Sau đây viết tắt là Đài THVN) trong công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT; đặc biệt là về những vấn đề được xã hội quan tâm; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, sớm đưa Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết) và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chiến lược) đi vào cuộc sống.

2. Yêu cầu

a) Thiết lập cơ chế, phương thức phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Bộ NN&PTNT và Đài THVN đảm bảo kịp thời, hiệu quả, chính xác, theo đúng quy định của nhà nước, vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

b) Bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được nêu trong Nghị quyết và Chiến lược nhằm góp phần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và xã hội.

c) Đảm bảo chủ động, kịp thời với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tận dụng triệt để và phát huy hiệu quả thế mạnh của công nghệ, các nền tảng số để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình tuyên truyền cũng như thu hút công chúng khán giả.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

Bộ NN&PTNT và Đài THVN thống nhất phối hợp thông tin truyền thông kịp thời, chính xác và đầy đủ toàn diện về:

1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung và việc thực hiện Nghị quyết và Chiến lược về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

a) Thông tin, giới thiệu về nội dung, sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận và cách tiếp cận mới, linh hoạt của Nghị quyết và Chiến lược; trong đó, tập trung làm rõ các nội dung như:

- Khẳng định, làm rõ vai trò, vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển và là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn hiện đại, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị.

- Các giải pháp nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

b) Thông tin, truyền thông về các nội dung chỉ đạo, định hướng và chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, Chiến lược của Bộ, ngành, địa phương, kết quả và sự chuyển biến tích cực thực tế ở cơ sở như:

- Việc chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; việc “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”, từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”; thay đổi tư duy buôn chuyến, manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân sang tư duy phát triển hệ sinh thái ngành hàng xuất khẩu, tạo ra một liên minh của những nhà xuất khẩu...

- Chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường...

- Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.

[...]
4