Loading


Chương trình phối hợp 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS năm 2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương, cơ sở

Số hiệu 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS
Ngày ban hành 11/10/2018
Ngày có hiệu lực 11/10/2018
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,Bộ Tư pháp,Hội Luật gia Việt Nam,Liên đoàn Luật sư Việt Nam,Thanh tra Chính phủ
Người ký Đỗ Ngọc Thịnh,Hầu A Lềnh,Lê Minh Khái,Lê Thành Long,Nguyễn Văn Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM - THANH TRA CHÍNH PHỦ - BỘ TƯ PHÁP - HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM - LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2018

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

GIỮA BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, THANH TRA CHÍNH PHỦ, BỘ TƯ PHÁP, HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM VỀ GIÁM SÁT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở ĐỊA PHƯƠNG, CƠ SỞ

- Căn cứ quy định của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

- Căn cứ Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011, Luật tiếp công dân năm 2013;

- Căn cứ Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị);

- Căn cứ kết quả thực hiện Chương trình số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS, ngày 11/11/2014, Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở;

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các bên thống nhất ban hành Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý... tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật. Qua đó, từng bước giảm dần tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia với chính quyền cùng cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết tố cáo; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

- Thông qua phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của công dân phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp giải quyết; phát hiện nhu cầu và thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho những người thuộc diện trợ giúp pháp lý.

- Thông qua các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

2. Yêu cầu

- Việc giám sát phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, gắn với việc phát huy quyền làm chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; phát huy các hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất; lắng nghe ý kiến của các tổ chức thành viên, người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trong thực hiện Chương trình phối hợp.

- Việc phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức tham gia phối hợp; được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả; định kỳ có sơ kết, tổng kết nhằm rút kinh nghiệm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo; đồng thời, giải thích về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để nhân dân hiểu, tự giác chấp hành pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh thỏa thuận hòa giải hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; phổ biến kinh nghiệm tuyên truyền đối với việc giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp.

2. Chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; kiến nghị các biện pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải.

3. Tăng cường hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; phát hiện và kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời những thiếu sót, vụ việc tiêu cực; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở cơ sở.

4. Giám sát một số chuyên đề: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đối thoại với nhân dân; việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc thực hiện chính sách về triển khai, quản lý dự án BT, BOT; việc thi hành pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; công tác xét xử các vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính và hành vi hành chính của tòa án các cấp. Kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật còn sơ hở là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

5. Lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng” để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết. Qua đó ngăn ngừa khiếu kiện đông người.

6. Trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phản ánh tình hình dư luận nhân dân về khiếu nại, tố cáo, những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp để thúc đẩy các cuộc đối thoại, giải quyết đến cùng vụ việc.

7. Rà soát, đề xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tính khả thi của các chính sách, pháp luật và biện pháp công tác về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1.1. Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát ở Trung ương và hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện Chương trình.

1.2. Chủ trì, lựa chọn những vụ việc khiếu nại, tố cáo theo điểm 4, mục II để xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát; phối hợp với các cơ quan, tổ chức giám sát, ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát khi cần thiết.

[...]
2