Loading


Công văn 10097/VPCP-QHĐP năm 2020 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho nông dân về tăng trưởng giá trị nông sản Việt do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 10097/VPCP-QHĐP
Ngày ban hành 02/12/2020
Ngày có hiệu lực 02/12/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10097/VPCP-QHĐP
V/v Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 28 tháng 9 năm 2020, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 3 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản pháp luật, các chính sách liên quan đến việc quy hoạch sản xuất và bảo hiểm nông nghiệp, chuyển đổi, bố trí phát triển các cây trồng chủ lực, chăn nuôi… Đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt hải sản theo hướng hiệu quả, bền vững; tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính xác khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản.

- Có giải pháp phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái phát triển nông nghiệp và gắn với việc phát huy hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên nước, đất, rừng; phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên tại khu vực tây nguyên.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng đến việc phát triển nuôi biển, khai thác hải sản bền vững gắn với chế biến sâu.

- Phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và mở cửa thị trường quốc tế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường; chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu trong nước cung cấp đủ nhu cầu về các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng miền.

- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông thông tin về ngư trường đánh bắt hải sản, không để ngư dân xâm phạm các vùng biển khác để đánh bắt cá. Trường hợp có bão lớn, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương kiên quyết di chuyển ngư dân trên lồng bè và các tàu cá về đất liền để tránh thiệt hại về người; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020.

- Phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện công tác định canh, định cư, di dân tự do, tham mưu Chính phủ có chủ trương biện pháp mạnh mẽ hơn về vấn đề di dân phía Bắc vào khu vực Tây nguyên.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp, chính sách tiếp cận đất đai, các giới hạn về hạn điền, tập trung ruộng đất về vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối).

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai xảy ra, xây dựng kịch bản xử lý tình huống và khắc phục hậu quả thiên tai như: Hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, cháy rừng…

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh, xây dựng chính sách và sửa đổi bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề...

2. Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm và phát triển thêm nhiều thị trường mới về xuất khẩu nông sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp; thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin về các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đến bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết và các công việc cần triển khai để kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

- Tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9343/VPCP-NN ngày 06 tháng 11 năm 2020.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nông dân, trong đó nghiên cứu tiếp tục ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho khu vực miền núi để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề; khuyến nông, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó cần chú trọng đến liên kết vùng, đặc biệt là chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tạo động lực phát triển hiệu quả và bền vững.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho Quỹ hỗ trợ Nông dân Trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài chính

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2029/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp để sản xuất chính sách hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tổ chức thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9655/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 11 năm 2020.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị quyết về thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có nội hàm như nước mạch, nước ngầm, bảo vệ rừng, lũ lụt, thiên tai, hạn hán… và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn.

- Chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, ưu tiên bố trí đất sản xuất cho người dân di cư tự do, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất; Phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và hoạt động xả nước thải vào nguồn nước chưa được cấp giấy phép tài nguyên nước, trong đó có các công trình hồ chứa, đập, cống, trạm bơm thủy lợi, nhất là các hồ chứa, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu có phục vụ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt ở khu vực nông thôn theo đúng quy định pháp luật.

[...]
3