Loading


Công văn 1066/VKSTC-V12 năm 2021 về giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 1066/VKSTC-V12
Ngày ban hành 22/03/2021
Ngày có hiệu lực 22/03/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Phạm Thanh Từng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1066/VKSTC-V12
V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn KNTC trong HĐTP

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2021

                                                                           

Kính gửi:

- Viện kiểm sát Quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Qua thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân; VKSND tối cao đã hệ thống, nghiên cứu, giải đáp, cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

1. Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo là người không biết chữ và bị khiếm khuyết về thính giác thì phải giải quyết như thế nào? Có được từ chối tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Tiếp công dân hay không? Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC- BNN&PTNN ngày 05/9/2018, có quy định trường hợp trực tiếp đến khiếu nại và không thể tự viết đơn... Đề nghị có quy định cụ thể về trường hợp này?

Giải đáp: Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Theo đó, một người bị khiếm thính và không biết chữ không đương nhiên bị coi là mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nếu không có quyết định của tòa án tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự. Do vậy, trường hợp người khiếu nại, tố cáo bị khiếm thính và không biết chữ (không thể tự viết đơn) nếu không có quyết định của Tòa án tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự, thì không được từ chối, mà phải tiếp công dân theo quy định trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như tiếp công dân trong tố tụng hình sự, thực hiện khoản 3 Điều 6 và điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC- BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN ngày 05/9/2018 (Thông tư liên tịch 02/2018), quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về khiếu nại, tố cáo với sự có mặt của người chứng kiến, biên bản phải có điểm chỉ của họ và chữ ký của người chứng kiến.

2. Việc ghi âm, ghi hình trong công tác tiếp công dân: Luật Tiếp công dân năm 2013 và Quy chế số 51[1] chưa quy định cụ thể về trường hợp quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong công tác tiếp công dân và chế tài xử lý việc công dân cố tình quay phim, chụp ảnh, ghi âm?

Giải đáp: Hiện nay pháp luật chưa quy định về việc ghi âm, ghi hình trong công tác tiếp công dân, do đó khi công dân đề nghị được ghi âm, ghi hình hoặc tự ý ghi âm, ghi hình thì cán bộ tiếp công dân cần thực hiện linh hoạt, phù hợp thực tế. Cán bộ tiếp công dân có thể tham khảo kinh nghiệm xử lý sau đây:

Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có đề nghị được ghi âm, ghi hình bằng thiết bị của cá nhân họ hoặc họ tự ghi âm ghi hình trong quá trình tiếp dân thì người tiếp công dân yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ mục đích của việc ghi âm, ghi hình. Đồng thời giải thích đơn vị tiếp công dân đã có thiết bị ghi âm, ghi hình và việc sử dụng hình ảnh, âm thanh từ việc ghi âm, ghi hình không đúng pháp luật có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung giải thích và mục đích của việc ghi âm, ghi hình phải được ghi vào biên bản tiếp công dân.

Trường hợp tại nơi tiếp công dân đã gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì người tiếp công dân kiểm tra thiết bị trước khi thực hiện việc tiếp công dân. Trường hợp tại nơi tiếp công dân không gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì khi xét thấy cần thiết phải ghi âm, ghi hình việc tiếp công dân, người tiếp công dân báo cáo, đề nghị lãnh đạo đơn vị cử cán bộ hỗ trợ việc ghi âm, ghi hình trước khi thực hiện việc tiếp công dân.

Sản phẩm của ghi âm, ghi hình (băng, đĩa, file) phải được bảo quản, lưu trữ để phục vụ công tác khai thác, sử dụng khi cần thiết; không cung cấp sản phẩm ghi âm, ghi hình của đơn vị tiếp công dân cho công dân.

3. Đề nghị hướng dẫn về trường hợp công dân trực tiếp đến gửi đơn kèm tài liệu là dữ liệu điện tử như ghi âm, ghi hình... thì việc tiếp nhận được thực hiện như thế nào?

Giải đáp: Trường hợp công dân trực tiếp đến gửi đơn kèm tài liệu là dữ liệu điện tử như ghi âm, ghi hình thì người tiếp công dân thực hiện theo Điều 12 và Điều 20 Quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân, đề nghị công dân mô tả chi tiết thông tin, chứng cứ đó để để mở dữ liệu kiểm tra, đối chiếu (nếu có phương tiện để kiểm tra) và viết Giấy biên nhận. Trường hợp không thể kiểm tra, đối chiếu do không đủ điều kiện về cơ sở, vật chất thì ghi rõ theo trình bày của người gửi đơn là bản sao vào Giấy biên nhận, không kiểm tra tình trạng tài liệu.

4. Việc từ chối tiếp công dân: Khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Thực tế có trường hợp đã có thông báo chấm dứt giải quyết, nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn liên tục đến khiếu nại mà cán bộ tiếp dân không thể từ chối việc tiếp. Vấn đề này cần có hướng dẫn cụ thể?

Giải đáp: Pháp luật quy định cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân trong một số trường hợp cụ thể (Điều 9 Luật Tiếp công dân), nhưng chưa có quy định cấm công dân khiếu nại kéo dài. Do vậy, để xử lý trong trường hợp này cán bộ tiếp dân cần nắm rõ nội dung vụ việc bị khiếu nại, tố cáo, nhân thân của người khiếu nại, tố cáo; mục đích là đòi quyền lợi hay bị họ bị xúi giục, kích động để từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp trong từng tình huống cụ thể.

5. Chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ví dụ: Một số trường hợp người nộp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gây mất trật tự trong buổi tiếp công dân nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể nào xử lý.

Giải đáp: Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, tùy từng trường hợp cụ thể pháp luật đã quy định các hình thức xử lý. Tuy vậy, để đảm bảo thủ tục thì cán bộ tiếp công dân phải thực hiện đầy đủ theo Quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân[2]. Trường hợp công dân gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ nơi tiếp công dân, Cảnh sát bảo vệ hoặc công an xã, phường thị trấn tại nơi tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc; báo cáo Viện trưởng cấp mình để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc khởi tố hình sự nếu hành vi gây rối, chống đối của người đó cấu thành tội phạm.

6. Điều 5 của Quy chế số 51 quy định nhiệm vụ của các đơn vị liên quan khi tiếp công dân. Khi các đơn vị này không thực hiện đúng theo nhiệm vụ được quy định trong Quy chế thì thực hiện như thế nào?

Giải đáp: Trường hợp các đơn vị có liên quan không thực hiện việc phối hợp tiếp công dân theo đúng nhiệm vụ được quy định trong Quy chế số 51 thì đơn vị chuyên trách báo cáo lãnh đạo VKS phụ trách để có ý kiến chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân cũng như quy định của ngành Kiểm sát. Việc xử lý trách nhiệm trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ công vụ thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKS.

II. CÔNG TÁC PHÂN LOẠI, XỬ LÝ ĐƠN

1. Trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại do quyết định giải quyết khiếu nại lần hai vẫn chưa giải quyết hết nội dung khiếu nại hoặc chưa đúng, thì khi nhận được loại đơn này phải xử lý thế nào?

Giải đáp: Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 là quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật, khi có đơn đề nghị xem xét lại thì từng trường hợp cần được phân loại xử lý như sau:

- Trường hợp công dân khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại do chưa giải quyết hết nội dung thì chuyển đơn đến VKSND có thẩm quyền đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đó để xem xét, giải quyết bổ sung nội dung còn thiếu;

- Nếu khiếu nại tiếp do quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật chưa đúng hoặc thuộc cả hai trường hợp (vừa chưa giải quyết hết nội dung khiếu nại vừa chưa đúng) thì VKS cấp trên căn cứ vào Điều 14 Quy chế số 51 để tiến hành kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Trình tự, thủ tục kiểm tra được thực hiện theo Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao).

2. Trường hợp người có đơn khiếu nại nhưng quá thời hiệu khiếu nại thì có được xem xét giải quyết theo trình tự như đơn đề nghị không? Ban hành công văn trả lời hay chỉ ban hành thông báo về việc không thụ lý đơn khiếu nại do hết thời hiệu?

Giải đáp: Theo quy định của khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011, đơn khiếu nại khi hết thời hiệu là một trong các trường hợp không thụ lý giải quyết, trừ trường hợp có lý do chính đáng theo Điều 9 của Luật này. Khi đó, cơ quan tiếp nhận trả lại đơn khiếu nại và ban hành văn bản thông báo không thụ lý cho người khiếu nại và nêu lý do theo Điều 27 Luật này. Tuy nhiên, trong trường hợp nội dung đơn có vấn đề cần được xem xét, trả lời thì VKS xem xét và ban hành văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Đối với trường hợp đã giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng người khiếu nại gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền quá thời hạn quy định nếu đáp ứng đủ điều kiện để kiểm tra theo Điều 14 Quy chế số 51 thì VKS có thẩm quyền tiến hành kiểm tra lại Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật theo Quy trình số 546.

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi cán bộ bị khiếu nại, tố cáo đã nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác hoặc đảm nhiệm vị trí cao hơn (khi ban hành quyết định tố tụng là cấp phó, nhưng đến khi có khiếu nại là cấp trưởng).

Giải đáp: Nội dung này đã được giải đáp tại Công văn số 355/VKSTC-V12 ngày 25/01/2019 của VKSND tối cao, vấn đề này đã được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể như sau:

[...]
2