Loading


Công văn 1120/VKSTC-V14 năm 2023 về tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong 03 năm (năm 2020-2022) do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 1120/VKSTC-V14
Ngày ban hành 28/03/2023
Ngày có hiệu lực 28/03/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1120/VKSTC-V14
V/v tổng hợp, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong 03 năm (năm 2020 - 2022)

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi:

- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện Công văn số 393/VKSTC-VP ngày 16/12/2022 của VKSND tối cao, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) đã rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp trong 03 năm (năm 2020 - 2022) để giải đáp một số nội dung liên quan trách nhiệm của Vụ 14, cụ thể như sau:

I. Về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất thuộc lĩnh vực hình sự

1. Hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu... (VKSND tỉnh Đắk Nông - năm 2020).

Trả lời:

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu. Theo quan điểm của Vụ 14 thì tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các vụ án về tội phạm xâm phạm sở hữu là hậu quả của hành vi xâm phạm sở hữu (cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) mà người phạm tội thực hiện dẫn đến phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Hậu quả này phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi xâm phạm sở hữu. Ví dụ: Đối tượng thường xuyên trộm cắp tài sản là vật nuôi tại khu dân cư[1],... Ngoài ra, các đơn vị có thể tham khảo thêm hướng dẫn về tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nêu tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

2. Khoản 1 Điều 475 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Quy định như vậy là không bảo đảm thời hạn giải quyết, nhất là những vụ việc phức tạp vì cần phải rút hồ sơ, nghiên cứu, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị (VKSND tỉnh Hưng Yên, thành phố Đà Nẵng - năm 2020).

Trả lời:

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, kịp thời xem xét, xử lý, đối với các quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật, khoản 1 Điều 475 và các quy định khác của BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu thường là 07 ngày và thời hạn giải quyết lần hai là 03 ngày là hợp lý, đòi hỏi cơ quan giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại cần nhanh chóng xem xét, giải quyết.

Đây là kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015. Do vậy, đề nghị các đơn vị, VKS các cấp tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình thi hành BLTTHS năm 2015 để Vụ 14 tổng hợp chung, tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sơ kết, tổng kết BLTTHS năm 2015.

3. Quy định nhận dạng, nhận biết giọng nói chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 lại quy định được thực hiện trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm. Như vậy, dẫn đến mâu thuẫn, áp dụng không thống nhất (VKSND các tỉnh: Lâm Đồng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bến Tre - năm 2020). Đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 147 BLTTHS theo hướng bổ sung một số biện pháp điều tra có thể áp dụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, như: đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, để đảm bảo việc giải quyết nguồn tin về tội phạm có đủ căn cứ và đúng quy định của pháp luật, đồng thời tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các điều luật khác. Vì giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã quy định là một giai đoạn tố tụng hình sự thì không cần hạn chế biện pháp điều tra mà cần áp dụng các biện pháp điều tra phù hợp để chứng minh được có hay không có tội phạm và người phạm tội bởi vì đây là giai đoạn quan trọng để điều tra tránh oan, sai (VKSND tỉnh Gia Lai - năm 2020).

Trả lời:

Khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:

“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”.

Như vậy, ngoài 04 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản) thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động mang tính chất chung (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).

Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) Có mặt khi đối chất; nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân thì “Khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân cỏ liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ thể như sau: ....2. Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình theo sự phân công của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)”. Do vậy, mặc dù không được quy định cụ thể tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói với tính chất để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, không được hiểu là những biện pháp điều tra theo các quy định của BLTTHS năm 2015[2] trong giai đoạn điều tra.

4. Cách tính thời gian có hiệu lực thi hành của quyết định tha tù trước thời hạn giữa Tòa án và VKS chưa thống nhất (VKSND tỉnh Tây Ninh - năm 2020).

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 337 BLTTHS năm 2015 quy định về thời hạn kháng nghị: “Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.

Căn cứ Điều 343 BLTTHS năm 2015 quy định về hiệu lực của bản án, quyết định số thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị: “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”.

Như vậy, thời hạn thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được xác định là hết 15 ngày (sau 15 ngày), kể từ ngày Tòa án ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

5. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định rõ thời gian kể từ khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; chưa quy định thời gian trình Chủ tịch nước xét ân giảm án tử hình và thời gian Chủ tịch nước ký Quyết định chấp thuận hoặc bác đơn đối với người bị kết án tử hình dẫn đến để án kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ (VKSND tỉnh Long An - năm 2020).

Trả lời:

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ