Loading


Công văn 1587/HTQTCT-QT năm 2016 về thụ lý, giải quyết hồ sơ quốc tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành

Số hiệu 1587/HTQTCT-QT
Ngày ban hành 25/11/2016
Ngày có hiệu lực 25/11/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
Người ký Nguyễn Công Khanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH,
CHỨNG THỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1587/HTQTCT-QT
V/v thụ lý, giải quyết hồ sơ quốc tịch

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2016

 

Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong thời gian vừa qua, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nhận được khá nhiều hồ sơ xin nhập/xin trở lại/ xin thôi quốc tịch Việt Nam và tra cứu quốc tịch Việt Nam do các địa phương chuyển về. Trong quá trình kiểm tra, xem xét hồ sơ cho thấy, có hồ sơ không đủ giấy tờ, giấy tờ đã hết hạn hoặc các thông tin cá nhân trong hồ sơ không thống nhất, thậm chí có trường hợp thụ lý sai thẩm quyền... Để bảo đảm giải quyết các hồ sơ quốc tịch theo đúng quy định của pháp luật, sau khi thống nhất với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực xin lưu ý Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số vấn đề trong giải quyết các hồ sơ quốc tịch như sau:

1. Về xác định cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ

Theo quy định của pháp luật quốc tịch hiện hành thì người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận gốc Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an). Về cách hiểu “nơi cư trú”, đề nghị theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật cư trú như sau:

- Khoản 1 Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Điều 12 Luật cư trú số 81/2006/QH11 cũng quy định: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống”. Do đó, cách thức xác định thẩm quyền giải quyết các việc về quốc tịch theo nơi cư trú phải được hiểu thống nhất như quy định của Bộ luật dân sự và Luật cư trú tức là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

- Điểm d khoản 1 Điều 22 Luật cư trú quy định công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư thì bị xóa đăng ký thường trú (xóa tên trong hộ khẩu). Điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú cũng quy định: “Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.”.

Từ những quy định pháp luật nêu trên, những trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước (thăm thân, du lịch, công tác...) trong một thời gian nhất định, tuy có thông báo lưu trú, được cơ quan Công an ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và trường hợp công dân Việt Nam đã ra nước ngoài định cư mà không đến cơ quan Công an làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định (vẫn có tên trong Sổ hộ khẩu gia đình), thì không được coi là trường hợp cư trú trong nước, do đó, không thuộc trường hợp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, mà phải nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó định cư để được xem xét giải quyết; nếu Sở Tư pháp thụ lý hồ sơ của những người này là trái thẩm quyền.

Bên cạnh đó, về khía cạnh an ninh, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định: nếu việc xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam thì sẽ không được giải quyết. Như vậy, nếu cho phép những người cư trú và sinh sống lâu dài ở nước ngoài nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp địa phương (khi họ về nước thăm thân, công tác, du lịch... trong thời gian ngắn) sẽ không đảm bảo tiêu chí về lợi ích, an ninh quốc gia, dễ dẫn đến bỏ lọt đối tượng do địa phương không có thông tin của đương sự trong thời gian sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Trên thực tế cũng không loại trừ khả năng đương sự trốn truy nã ở nước ngoài về nước xin trở lại quốc tịch, hoặc có hoạt động tuyên truyền, chống phá nhà nước ta ở nước ngoài lợi dụng thời gian về nước ngắn hạn để xin thôi quốc tịch...

Do đó, để đảm bảo việc thụ lý, giải quyết hồ sơ về các vấn đề quốc tịch được thống nhất, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị Sở Tư pháp không thụ lý hồ sơ về quốc tịch của những trường hợp nêu trên.

2. Về yêu cầu đối với các giấy tờ có trong hồ sơ

Khi thụ lý các hồ sơ về quốc tịch, đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra kỹ các giấy tờ có trong hồ sơ, bảo đảm đủ các giấy tờ theo quy định, còn thời hạn giải quyết (đối với những loại giấy tờ có quy định về thời hạn), tất cả các thông tin cá nhân (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch...) của bản thân, của cha mẹ, anh, chị em ruột và con (nếu có) trong hồ sơ phải thống nhất.

Đối với những hồ sơ không bảo đảm yêu cầu này, đề nghị Sở Tư pháp chủ động yêu cầu đương sự bổ sung đầy đủ; nếu không đầy đủ, đề nghị từ chối tiếp nhận.

3. Về giải quyết yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam

Thời gian gần đây, tình trạng công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước yêu cầu Sở Tư pháp cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ngày càng nhiều. Để bảo đảm chặt chẽ trong khi xem xét cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra kỹ các giấy tờ do đương sự nộp và xuất trình. Nếu đương sự thuộc diện cư trú ở nước ngoài (như đã nêu tại điểm 1 Công văn này), đề nghị Sở Tư pháp không tiếp nhận hồ sơ. Nếu đương sự cư trú trong nước, hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Thông tư số 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam) thì Sở Tư pháp mới tiếp nhận và chuyển ra Cục đề nghị tra cứu. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm về những giấy tờ do đương sự nộp. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực chỉ tra cứu thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của đương sự và trả lời kết quả tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc tịch hiện đang được lưu trữ tại Cục theo quy định.

Ngoài ra, đối với các trường hợp không có thông tin cụ thể về quốc tịch Việt Nam (của người yêu cầu hoặc bố, mẹ, con của họ) thì Sở Tư pháp cần phối hợp với cơ quan Công an địa phương để thẩm tra, xác minh kỹ mà không chuyển hồ sơ này ra Cục. Chỉ khi có đủ căn cứ xác định đương sự có quốc tịch Việt Nam thì Sở Tư pháp mới cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam.

Trên đây là ý kiến của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực liên quan đến thụ lý hồ sơ các việc về quốc tịch, xin gửi để Sở Tư pháp các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Nguyễn Khánh Ngọc (để b/cáo);
- Lưu: VT, (Cẩm An).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh

 

2