Loading


Công văn 1987/BTC-TCDN năm 2024 thực hiện nhiệm vụ được giao tại Phụ lục kèm theo công văn 402/TB-VPCP do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1987/BTC-TCDN
Ngày ban hành 26/02/2024
Ngày có hiệu lực 26/02/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1987/BTC-TCDN
V/v thực hiện nhiệm vụ được giao tại Phụ lục kèm theo công văn số 402/TB-VPCP ngày 03/10/2023 của VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện công văn số 70/BKHĐT-PTDN ngày 03/01/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao Phụ lục Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 03/10/2023 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Căn cứ nhiệm vụ Bộ Tài chính được giao tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 03/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về Thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ tại Phụ lục đính kèm.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng;
- UBND tỉnh: Quảng Ngãi; Lạng Sơn; Tây Ninh;
- Các Tập đoàn: Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Dầu khí Việt Nam; Dệt may Việt Nam.
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam;
- Các đơn vị: Cục QLGSCSTPLP; UBCKNN; Vụ TCNH; Cục QLG;
- Lưu: VT, TCDN (12b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 


PHỤ LỤC

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BỘ TÀI CHÍNH ĐƯỢC GIAO TẠI PHỤ LỤC KÈM THEO THÔNG BÁO SỐ 402/TB-VPCP
(Kèm theo văn bản số 1987/BTC-TCDN ngày 26/02/2024 của Bộ Tài chính)

STT

Đơn vị kiến nghị, đề xuất

Nhiệm vụ Bộ Tài chính được giao

Tình hình thực hiện/Ý kiến của Bộ Tài chính

A. VỀ NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO TẠI THÔNG BÁO SỐ 402/TB-VPCP

 

 

Tại điểm b khoản 4 Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 03/10/2023, Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 05/11/2023 đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 6593/VPCP-PL ngày 25/8/2023

Về nhiệm vụ này, ngày 26/12/2023 Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 289/TTr-BTC về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi)

B. VỀ NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO TẠI PHỤ LỤC KÈM THEO THÔNG BÁO SỐ 402/TB-VPCP

I. Cơ chế chính sách

1

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (STT1)

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp thực sự theo nguyên tắc thống nhất quản lý theo mục tiêu (đảm bảo quản lý vốn nhà nước an toàn, hiệu quả); gia tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW khóa XII ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

(Dự thảo đề cương mới nhất của Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 có một số điểm bất cập và dường như đang được thiết kế theo hướng tăng thêm thẩm quyền/trách nhiệm phê duyệt của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và của Chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là quy định về việc phân phối lợi nhuận sau thuế tại các doanh nghiệp nhà nước là khá bất cập đối với các ngân hàng thương mại cổ phần trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cổ phần đều có mức vốn điều lệ rất thấp.

Các kiến nghị của các đơn vị này đã được Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu tại Tờ trình Chính phủ số 289/TTr-BTC ngày 26/12/2023 về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

2

Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông Quân đội (STT4)

Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ sửa và ban hành Luật 69/2014/QH13 về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tăng trao quyền và tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó:

- Điều chỉnh cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp theo hướng dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, khách quan, toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan không chỉ dựa trên yếu tố bảo toàn vốn, đánh giá trên từng dự án độc lập.

Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được thực hiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án/ doanh nghiệp tại nước ngoài theo hình thức phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật nước sở tại, trên cơ sở nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bảo toàn vốn đầu tư.

3

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (STT10)

Kiến nghị sớm hoàn thành sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

4

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (STT11)

Kiến nghị khi sửa đổi Luật 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cần mở rộng ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tham gia Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm và ra quyết định nhanh hơn.

5

UBND tỉnh Lạng Sơn (STT12)

Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật số 69/2014/QH13, ... và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

6

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (STT9)

Kiến nghị sớm hoàn thành sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2024 liên quan đến thuế VAT phân bón

Bộ Tài chính đã có công văn số 127/BTC-CST ngày 04/01/2024 gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đối với hồ sơ dự án Luật thuế (GTGT) sửa đổi. Trong đó, có quy định sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón.

7

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (STT13)

Xem xét, sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ trong đó bổ sung mức giá tối đa đối với tiêu nước cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu

Triển khai Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 và theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Nghị định số 96/2018/NĐ-CP).

Ngày 19/6/2023, Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, trong đó các quy định về thẩm quyền thẩm định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đã được sửa đổi so với quy định tại Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14. Do đó, để bảo đảm đồng bộ với các quy định về giá tại Luật Giá số 16/2023/QH15 mới ban hành và theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP cho phù hợp.

8

Bộ Quốc phòng (STT14 và STT15)

Nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp quân đội sản xuất kinh doanh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới như: cấp bổ sung vốn điều lệ; xử lý chính sách khi sắp xếp lại cổ phần hóa trong trường hợp doanh nghiệp không có nguồn để xử lý; bố trí sử dụng vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư dự án, cơ cấu lại nợ vay; ưu đãi thuế suất.

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp quân đội tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược đảm bảo việc đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố, kết quả thực hiện của các đơn vị.

Đây là các kiến nghị cụ thể, vì vậy đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất cụ thể; Bộ Tài chính sẽ tổng hợp khi xây dựng dự án Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13.

II. Chương trình, quy hoạch, chiến lược (không có nội dung phân công xử lý của Bộ Tài chính)

III. Vấn đề sự vụ cụ thể

1

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (STT1)

Kiến nghị cho phép triển khai chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) tại các doanh nghiệp nhà nước để tạo động lực, hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp

Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam hiện đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Từ thời điểm niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán đến nay, Ủy ban chứng khoán nhà nước chưa nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam.

Vì vậy, khi triển khai chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam có văn bản báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước để được xem xét giải quyết.

2

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (STT16)

Sớm cấp kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến năm 2022 là 6,5 tỷ đồng để thực hiện dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho Công ty khai thác công trình thủy lợi sản xuất kinh doanh ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp chung để trả lời cho các địa phương trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.

3

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (STT18)

Xem xét cho tăng doanh số phát hành đối với Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Tây Ninh

Công ty xổ số kiến thiết Tây Ninh thuộc Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam thực hiện phát hành vé số và bán trên toàn địa bàn của khu vực theo lịch mở thưởng và hạn mức doanh số phát hành do Bộ Tài chính quy định.

Tháng 11/2023, Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam có công văn đề nghị tăng hạn mức doanh số phát hành cho các Công ty xổ số kiến thiết trong khu vực. Đối với nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 14262/BTC-TCNH ngày 27/12/2023 đề nghị các Công ty Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam tiếp tục thực hiện hạn mức doanh số phát hành theo quy định tại công văn số 10911/BTC-TCNH ngày 24/10/2022 của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ xem xét tăng hạn mức doanh số phát hành sau khi tình trạng đại lý cắt giảm hoa hồng của người bán dạo, không cho người bán dạo trả lại vé ế, việc bán vé sai địa bàn, bán vé qua các ứng dụng điện tử, website, trung gian thanh toán của các đại lý đã được khắc phục.

4

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (STT 20)

Nghiên cứu để đưa ra mô hình hoạt động xổ số phù hợp đối với khu vực miền Bắc. Có những biện pháp để truy quét tệ nạn số đề nhằm lành mạnh hóa thị trường xổ số, để người dân nhiệt tình hưởng ứng mua vé xổ số “ích nước - lợi nhà”

- Về đề xuất nghiên cứu để đưa ra mô hình hoạt động xổ số phù hợp đối với khu vực miền Bắc:

Tại chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 đặt ra mục tiêu từng bước tái cơ cấu thị trường xổ số theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Triển khai chiến lược này, trong thời gian vừa qua, song song với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý thị trường xổ số. Bộ Tài chính đã điều hành thị trường xổ số (gồm xổ số truyền thống và xổ số điện toán) từng bước phát triển theo định hướng của Nhà nước, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đối với thị trường xổ số khu vực miền Bắc, việc Công ty xổ số điện toán Việt Nam triển khai hoạt động kinh doanh xổ số điện toán từ tháng 7/2016 với nhiều sản phẩm xổ số điện toán áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thu hút được sự tham gia tích cực và dần thay đổi thói quen mua xổ số của người dân khu vực miền Bắc. Kết quả sau 7 năm hoạt động, doanh thu xổ số điện toán tại khu vực miền Bắc bằng 46,87% tổng doanh thu xổ số truyền thống và chiếm 24,54% doanh thu của Công ty xổ số điện toán Việt Nam.

- Về đề xuất có những biện pháp để truy quét tệ nạn số đề nhằm lành mạnh hóa thị trường xổ số:

Việc đấu tranh phòng, chống và ngăn chặn tệ nạn số đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố với vai trò đại diện chủ sở hữu của các Công ty xổ số kiến thiết. UBND tỉnh có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn việc tổ chức lô đề, cờ bạc bất hợp pháp trên địa bàn.

Năm 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ Tài chính đã có công văn số 9110/BTC-TCNH ngày 24/8/2023 yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xổ số để ngăn chặn, phòng ngừa dịch vụ mua vé số qua Internet hoặc lợi dụng việc mua hộ vé xổ số để lừa đảo, kinh doanh đánh bạc trái phép.

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ