Loading


Công văn 2156/NHNN-TTGSNH năm 2022 giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 11/2021/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 2156/NHNN-TTGSNH
Ngày ban hành 12/04/2022
Ngày có hiệu lực 12/04/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Nguyễn Văn Du
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Kế toán - Kiểm toán

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2156/NHNN-TTGSNH
V/v giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 11/2021/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngày 30/7/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 11).

Để đảm bảo thực hiện thống nhất Thông tư 11 trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trên cơ sở ý kiến của các TCTD, chi nhánh NHNg trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến cụ thể tại Bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 11, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước www.sbv.gov.vn, Mục: “Diễn đàn/Nghiên cứu trao đổi/ Bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 11/2021/TT-NHNN” để nghiên cứu và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban lãnh đạo NHNN (để b/c);
- NHNN CN tỉnh, TP (để t/hiện);
- Vụ Truyền thông (để t/hiện);
- Vụ CSTT (để p/hợp);
- Vụ TCKT (để p/hợp);
- Vụ Pháp chế (để p/hợp);
- Vụ Tín dụng CNKT (để p/hợp);
- Lưu: VP, TTHSNH6.
ĐVANH.

TL. THỐNG ĐỐC
Q.CHÁNH THANH TRA, GIÁM SÁT NGÂN HÀNG




Nguyễn Văn Du

 

BẢN GIẢI ĐÁP, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 11/2021/TT-NHNN NGÀY 30/7/2021 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI TÀI SẢN CÓ, MỨC TRÍCH, PHƯƠNG PHÁP TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG RỦI RO VÀ VIỆC SỬ DỤNG DỰ PHÒNG ĐỂ XỬ LÝ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI (THÔNG TƯ 11)

(Đính kèm Công văn số 2156/NHNN-TTGSNH ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

1. Về phạm vi điều chỉnh

Câu 1: Hoạt động “Mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg)” có thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 11 không?

Trả lời:

- Khoản 19 Điều 4 Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) quy định: “19. Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.”

- Điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư 11 quy định:

“1. Thông tư này quy định về việc phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có (sau đây gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau:... c) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;”

Căn cứ vào các quy định nêu trên, hoạt động “Mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh NHNg” là một phương thức chiết khấu giấy tờ có giá, do đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 11.

Câu 2: Hướng dẫn cách xác định “các cam kết khác phát sinh rủi ro tín dụng” theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 11. Đồng thời, cam kết ngoại bảng có thực hiện trích lập dự phòng rủi ro hay không?

Trả lời:

- Khoản 1, 2 Điều 1 Thông tư 11 quy định:

“1. Thông tư này quy định về việc phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có (sau đây gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau:

a) Cho vay;

b) Cho thuê tài chính;

c) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

d) Bao thanh toán;

đ) Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

e) Trả thay theo cam kết ngoại bảng;

g) Mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành) chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi tắt là trái phiếu chưa niêm yết), không bao gồm mua trái phiếu chưa niêm yết bằng nguồn vốn ủy thác mà bên ủy thác chịu rủi ro;

h) Ủy thác cấp tín dụng;

i) Gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán, tiền gửi tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại ngân hàng chính sách xã hội) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và gửi tiền tại tổ chức tín dụng ở nước ngoài;

[...]
7