Loading


Công văn 26/BKHCN-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 26/BKHCN-VP
Ngày ban hành 05/01/2023
Ngày có hiệu lực 05/01/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Huỳnh Thành Đạt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/BKHCN-VP
V/v Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN xin trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị số 1: Cử tri kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết để tạo điều kiện cho khoa học công nghệ, nhân lực khoa học công nghệ phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp, sáng tạo.

Trả lời:

Trong thời gian qua, chính sách, pháp luật về KH&CN được ban hành đã quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tài chính cho hoạt động KH&CN[1]; tạo điều kiện phát triển cho cá nhân hoạt động KH&CN; thu hút, sử dụng, trọng dụng đối với nhóm nhân lực trình độ cao, có đóng góp trong lĩnh vực KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà khoa học[2]; phát triển, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo[3]; thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đưa nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) gắn bó chặt chẽ và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Để tạo điều kiện hơn nữa cho khoa học công nghệ phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp, sáng tạo; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong thực thi chính sách về tài chính cho KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế, trong năm 2022, Bộ KH&CN đã: (1) Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/5/2022 của Bộ KH&CN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; (2) Phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước[4]; (3) có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách sử dụng, trọng dụng và thu hút, phát triển nguồn nhân lực KH&CN, tháng 9/2022, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 ” với mục tiêu “xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, tham gia trực tiếp và khẳng định vai trò đối với thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, chủ yếu dựa vào KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030”.

Đồng thời, Bộ đang xây dựng các thông tư, quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; quy định việc thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam (dự kiến ban hành trong năm 2023). Bên cạnh đó, theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải cách tiền lương cho cán bộ khoa học phù hợp với lộ trình cải cách chung và thể hiện được sự ưu đãi đối với đối tượng này; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội cho KH&CN, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính để khuyến khích các nhà khoa học trong việc tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung kiến nghị số 2: Cử tri kiến nghị về việc Luật Công nghệ cao được ban hành từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật, vì vậy cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trả lời:

Để triển khai thi hành Luật Công nghệ cao năm 2008, Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (bao gồm: Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư) về các lĩnh vực: Danh mục công nghệ cao (CNC) được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển; Chương trình quốc gia phát triển CNC; phát triển khu CNC, khu nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển CNC trong các ngành kinh tế kỹ thuật, doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC...

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, Bộ KH&CN đang chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/08/2003 của Chính phủ nhằm giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc xây dựng, phát triển khu CNC. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ KH&CN đang rà soát tình hình triển khai thực hiện Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn thi hành; xác định những vấn đề vướng mắc, bất cập; đề xuất với Chính phủ chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao cho phù hợp với thực tiễn.

Nội dung kiến nghị số 3: Cử tri cho rằng, hiện nay chưa có một thị trường sản phẩm KH&CN, dẫn đến chưa có cung - cầu về sản phẩm KH&CN (nếu có cũng rất giới hạn), do đó kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp nghiên cứu về việc thành lập sàn giao dịch sản phẩm KH&CN, đáp ứng nhu cầu thực tế về phát triển KH&CN của đất nước.

Trả lời:

Chính sách, pháp luật về thị trường KH&CN trong thời gian qua đã dần được hoàn thiện nhằm tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

Hiện nay, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian thị trường KH&CN đã hình thành và đi vào hoạt động, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015, cả nước chỉ có 08 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 01 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ và 01 sàn giao dịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức trung gian còn yếu về năng lực và còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín đáp ứng nhu cầu thúc đẩy giao dịch công nghệ trong và ngoài nước; dẫn đến hoạt động kết nối cung - cầu về KH&CN chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Nhằm giải quyết các khó khăn nêu trên và đáp ứng nhu cầu thực tế về phát triển thị trường KH&CN của đất nước, Bộ KH&CN đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, trong đó có quy định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sàn giao dịch công nghệ: “Đầu tư, phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối mạng lưới, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường KH&CN”.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ triển khai xây dựng dự án nâng cấp Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị thành Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội nhằm kết nối, liên thông với các sàn giao dịch công nghệ trên cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN của đất nước.

Nội dung kiến nghị số 4: Cử tri kiến nghị Bộ có chính sách và giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực KH&CN tạo điều kiện cho doanh nghiệp KH&CN phát triển, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thành phố và đất nước.

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội[5], Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các Thông tư thay thế một số điều của Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC.

Theo đó, ngày 31/5/2022, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 05/2022/TTBKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp (gọi tắt là Quỹ). Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tôn trọng vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định định hướng, nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức quản lý nhiệm vụ KH&CN tại doanh nghiệp sử dụng nguồn từ Quỹ. Thông tư cũng đã làm rõ nhiều nội dung chi từ Quỹ, đặc biệt là chi cho việc mua máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định các cơ chế đặc thù sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ trong doanh nghiệp. Ngày 07/11/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ. Các văn bản này được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Quỹ nhằm giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN 2013, Nghị định 95/2014/NĐ-CP về cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN để có các giải pháp khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN; đồng thời nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư từ nguồn của Quỹ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nội dung kiến nghị số 5: Cử tri kiến nghị Bộ KH&CN vận hành thật tốt Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị; chủ động kết nối, liên thông với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị khác trên cả nước cũng như trong khu vực.

Trả lời:

Từ khi thành lập đến nay, Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN vận hành đã thực hiện các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ từ chào mua, chào bán, ký kết, thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy thực hiện thành công các giao dịch chuyển giao công nghệ.

Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị trực tuyến đã thu thập và chia sẻ đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước hơn 10 nghìn công nghệ, thiết bị chào bán và tìm mua; cơ sở dữ liệu về kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị; cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN; bản tin thị trường KH&CN phục vụ doanh nghiệp và chuyên đề về thị trường KH&CN.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ