Loading


Công văn 340/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 340/BVHTTDL-VP
Ngày ban hành 24/01/2024
Ngày có hiệu lực 24/01/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

1. Về lĩnh vực quản lý lễ hội: Tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội quy định việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội hoặc việc tạm ngừng tổ chức lễ hội khi có sai phạm được thực hiện với chính quyền cùng cấp (cấp tỉnh đăng ký/thông báo với UBND tỉnh, cấp huyện - xã đăng ký/thông báo với UBND cấp huyện). Tuy nhiên, trên thực tế tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, hầu hết các lễ hội ở cấp địa phương chủ yếu do chính quyền địa phương đó đứng ra tổ chức. Do đó việc đăng ký hoặc thông báo, hoặc yêu cầu tạm ngừng tổ chức lễ hội do chính quyền cùng cấp thực hiện là không hợp lý. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, điều chỉnh, quy định rõ để địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Hiện nay, khi một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tổ chức một số lễ hội mang tính giao lưu sinh hoạt văn hóa như: Lễ hội hóa trang (Haloween), Lễ hội tình yêu (Valentine),... gặp nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội. Lý do: Tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 110/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định về trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, như sau: Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày. Ngoài ra, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ còn quy định: Đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài (Lễ hội hóa trang, Lễ hội tình yêu,…) phải cung cấp văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt Nam của Đại sứ quán, Lãnh sự hoặc Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao,... Đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định rõ quy mô, tính chất, điều kiện, nội dung tổ chức lễ hội thuộc đối tượng phải xuất trình các văn bản quy định nêu trên.

3. Đối với tổ chức Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian): Hiện nay, chưa có quy định, hướng dẫn về hoạt động giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, ban hành các quy định cụ thể đối với hoạt động trên.

4. Về hoạt động bãi cắm trại du lịch: Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017, để các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình bãi cắm trại du lịch thì phải đáp ứng đủ các điều kiện: (1) Đăng ký kinh doanh theo quy định của của pháp luật; (2) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; (3) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch.

Thực tế hiện nay có nhiều hoạt động cắm trại dã ngoại (lều, trại,…) đang phổ biến nhưng không thuộc danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý về phòng cháy chữa cháy (theo Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy). Do đó, các cơ sở không được cấp chứng nhận cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, an ninh trật tự; không đủ điều kiện để xác nhận đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với bãi cắm trại du lịch. Hiện nay, tiêu chuẩn TCVN 7796: 2009 về bãi cắm trại du lịch đã không còn phù hợp với Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cũng như tình hình thực tế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý các loại cơ sở lưu trú du lịch đối với bãi cắm trại du lịch, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp.

5. Về du lịch canh nông: Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về loại hình du lịch canh nông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản phẩm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng như một số địa phương khác đang phát triển mạnh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Để thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị kinh doanh; đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai để Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các sở ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân… căn cứ triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

6. Về du lịch nông thôn: Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhưng do chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.

7. Về điều chỉnh danh mục các danh lam, thắng cảnh quốc gia: Một số danh lam thắng cảnh hiện nay không còn đảm bảo các tiêu chí công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo quy định của Luật Di sản Văn hóa do hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng khu vực bảo vệ của di tích và các khu vực xung quanh di tích đã có nhiều thay đổi so với thời điểm được công nhận. Do vậy, để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích thắng cảnh phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có cơ chế điều chỉnh danh mục các danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

8. Về việc công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch: Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định về việc các khu, điểm du lịch phải được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trước khi tổ chức kinh doanh; chưa có quy định về đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch (khoản 1 Điều 16 Luật Du lịch) để đảm bảo điều kiện công nhận điểm du lịch và khu du lịch theo quy định Điều 11, 12 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, ngành văn hóa gặp nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh khu, điểm du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch do chưa có cơ sở xác định tài nguyên du lịch, tài nguyên du lịch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 23 và Điều 26 Luật Du lịch, điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch thì phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự; để được cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì phải đáp ứng điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, để đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy thì cơ sở phải đảm bảo về cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng các điều kiện này vẫn chưa có sự thống nhất giữa các ngành văn hoá, thể thao, du lịch với ngành công an. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, ban hành quy định và có hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề trên.

9. Về việc quản lý hoạt động tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch: Tại khoản 2, Điều 10 Chương III, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định:“Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn quy định tại Điều 9 Nghị định này”. Tại Điều 9, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch, trong đó có các quy định như:“Bố trí, sử dụng huấn luận viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp”, “Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách”. Tuy nhiên đến nay, chưa có hướng dẫn, quy định các quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để làm căn cứ kiểm tra, thực hiện. Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, ban hành các quy định cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện.

10. Về chế độ báo cáo: Thông tư số 18/2021/TT/BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 31/12/2021 quy định về chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch, trong đó có quy định về phương thức gửi báo cáo trên hệ thống phần mềm nhận gửi báo cáo thống kê du lịch do Tổng cục Du lịch quản lý tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022). Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch vẫn còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện Thông tư. Đề xuất Cục Du lịch tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm báo cáo thống kê du lịch cho các địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để triển khai đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu ngành du lịch của cả nước.

11. Về lĩnh vực mỹ thuật: Đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật do thực tế triển khai, một số quy định còn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác quản lý, như: chưa có quy định về việc xây dựng các công trình tượng, tiểu cảnh có kích thước nhỏ,...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1) Về nội dung liên quan đến việc đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội hoặc việc tạm ngừng tổ chức lễ hội khi có sai phạm được thực hiện với chính quyền cùng cấp

Theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, các quy định về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội được áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị cũng như chính quyền địa phương trước khi tiến hành tổ chức lễ hội.

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác lễ hội trên địa bàn. Khi phát hiện sai phạm trong lễ hội do chính quyền địa phương cấp dưới tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp trên theo chức năng quản lý nhà nước về lễ hội được phân cấp có thể yêu cầu tạm dừng tổ chức và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

2) Về nội dung liên quan đến việc đăng ký tổ chức một số lễ hội mang tính giao lưu sinh hoạt văn hóa như: Lễ hội hóa trang (Haloween), Lễ hội tình yêu (Valentine),...

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Các sự kiện giao lưu sinh hoạt văn hóa theo kiến nghị của địa phương không thuộc trường hợp lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, vì vậy, trước khi tổ chức không cần đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

3) Về kiến nghị ban hành các quy định cụ thể đối với hoạt động giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; không tiếp nhận và đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự

Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã quy định cụ thể về hoạt động tổ chức, giới thiệu lễ hội cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan, cụ thể:

- Điểm b khoản 2 Điều 7 quy định: Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm: “Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;…”.

- Khoản 1 Điều 20 quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

- Đối với các lễ hội tổ chức tại các di tích lịch sử - văn hóa phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Căn cứ các quy định trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

4) Về kiến nghị việc sửa đổi TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp

Về nội dung kiến nghị trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Lâm Đồng. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành rà soát, tổng hợp các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trên cơ sở đó đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung TCVN 7796:2009 về bãi cắm trại du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ